Monday, December 12, 2011

Lệ Thu Tiếng Ca Khởi Phụng Đằng Giao













Năm 1963 hay 1965 gì đó, tôi được nghe Lệ Thu hát bản "Xin Mặt Trời Ngủ Yên" của Trịnh Công Sơn trong dĩa nhựa microsillon. Cách gào rống vô cùng độc đáo đến mức trác tuyệt khi cô hát lên cao làm tôi ngưỡng mộ nồng nhiệt. Cũng như bài "Summertime", bài "Xin Mặt Trời Ngủ Yên" là bài

Blue có chổ lên cao, chỉ có cách gào rống mới diễn tả nổi cái đau banh gan xé ruột. Ở bài "Summertime" là nổi đau trong kiếp nô lệ nhục nhằn của người Mỹ da đen.
Ở bài "Xin Mặt Trời Ngủ Yên" là nổi đau đớn lớn của kiếp nhân sinh. Gào rống mà tiếng hát vẫn giữ vững cao độ, không sai một bán cung lại còn ngân nga rựa ràng như trường hợp Lệ Thu đâu phải dễ. Giọng hát Lệ Thu cao nên cô trình bày các ca khúc Tây phương có chổ lên cao như "Come Back To Sorrento" của De Curtis, bản "Tristesse" của Chopin, bản "Serenata" của Enrico Tosselli, bản "Rêveries" của Robert Schumann đều hay, nhưng chỉ giúp cô nổi tiếng ở phòng trà Tự Do, chứ chưa đưa cô vào môi trường khách sành điệu lẫn khán thính giả thời thượng bên ngoài. Và theo tôi, chính những ca khúc theo thể điệu Blue mới làm nổi bật cái độc đáo của tiếng hát cô.
Tuy nhiên, ca khúc "Xin Mặt Trời Ngủ Yên" chỉ là cái cửa mở ngỏ để cô đi vào nhạc của Trịnh Công Sơn nhưng chưa phải là cái thang để cô leo lên tuyệt đỉnh vinh quang.

Thật ra, Lệ Thu được khán thính giả bốn phương ngưỡng mộ qua bài "Ngậm Ngùi" của Phạm Duy. Đây là một trường hợp ngộ nghĩnh. Vào thuở cuộc chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh, nhạc sĩ Lê Thương có phổ bài thơ này thành ca khúc "Tiếng Thuỳ Dương" và chỉ được vài ca sĩ đài phát thanh Pháp Á hát vài lần là bị xếp im lìm trong kho tàng nhạc sử nước nhà. Sau đó rất lâu, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc "Ngậm Ngùi" có nhờ Anh Ngọc thu vào dĩa microsillon để giao duyên với giọng ngâm của Hoàng Oanh.
Bài hát vẫn không được ai chú ý. Chỉ có bài thơ của Huy Cận và giọng ngâm sắc vút của Hoàng Oanh là còn gây dư vang và tình ý trong lòng khách mộ điệu mà thôi.
Phải đợi giọng diễn tả của Lệ Thu, bài hát mới nổi danh như cồn. Nhờ vậy, Lệ Thu trở thành một ngôi sao sáng tuyệt vời trên vòm trời ca nhạc.
Có vậy, khi tiếp tục hát thêm các ca khúc của Trịnh Công Sơn, cô mới cùng Khánh Ly làm nổi tiếng các tác phẩm của anh chàng du ca tài ba lỗi lạc này.
Khi bài "Ngậm Ngùi" nổi tiếng kỷ lục thì nhạc sĩ Phạm Duy khoái quá, sáng tác bài "Nước Mắt Mùa Thu", lấy ý từ cái tên Lệ Thu để tặng người ca sĩ này.
Thật ra thì cái tên Lệ Thu là cái tên khá phổ thông từ thuở xưa. Nhưng Lệ không có nghĩa là nước mắt mà là đẹp: diễm lệ, mỹ lệ, thanh lệ, tú lệ, kiều lệ. Lệ Thu là mùa thu đẹp.

Còn tiếng hát Lệ Thu thì sao? Tiếng cô khàn mà cao vút. Khi lên cao, cô vẫn giữ giọng thật, cô rống lên thật vang dội để cho tiếng trải đều ra, vạm vỡ và dũng mãnh như thác nước Niagara. Những bản "Hương Xưa", "Hoài Cảm" của Cung Tiến, "Chiếc Lá Cuối Cùng" của Tuấn Khanh, "Ngày Đó Chúng Mình" của Phạm Duy là những bản để cô biểu diễn giọng cao như bay vút tận trăm tầng cổ tháp và rắn rỏi như đá hoa cương của mình.

Giọng cao mà khàn khàn, dòn và sáng. Nhưng chuỗi ngân của cô không đều, hơi thô rít, làn hơi cô hơi ngắn, phải tinh tai lắm mới thấy cô vá víu làn hơi và chuỗi ngân của mình. Cô trình bày bản nhạc đơn giản, không ỏng ẹo điệu đà nên tiếng hát dễ đi sâu vào tâm hồn người thưởng ngoạn.
Tiếng hát của Lệ Thu làm cho chúng ta nghĩ đến một trái hỏa châu bắn vọt lên không trung để tỏa ngời ánh sáng. Nó cũng giống như cây pháo Phi Thiên Thập Hưởng khi đốt phải phóng lên không trung để cho tiếng vang xa như sấm rền. Và qua những chuyện thần thọai của Trung Hoa, chúng ta có thể nghĩ đó là con giao long tu luyện lâu năm nên khi đắc đạo bay vọt lên chín từng mây biếc, thóat khỏi kiếp sấu để biến thành con rồng thiêng về chầu đức Ngọc Hòang Thượng Đế. Nó cũng như con phụng từ đỉnh cao chót vót đáp xuống rừng xanh,

 Lệ Thu là một ca sĩ nổi tiếng, một trong những giọng ca lớn của tân nhạc Việt Nam . Tiếng hát của Lê Thu tuy không gắn với một nhạc sĩ nào, nhưng cô là người trình bày rất thành công nhạc của Trịnh Công Sơn , Phạm Duy , Phạm Đình Chương , Cung Tiến ... và nhiều nhạc phẩm nhạc tiền chiến , tình ca 1954-1975 khác.

Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16 tháng 07 năm 1943 tại Hải Phòng , nhưng trải qua thời thơ ấu ở Hà Đông . Bố mẹ Lệ Thu sinh được tất cả 8 người con, nhưng 7 người con đầu đều qua đời vào năm lên 3 tuổi. Do đó Lệ Thu là người con duy nhất còn lại trong gia đình. Mẹ Lệ Thu là người vợ thứ hai, vì những khó khăn do người vợ cả gây nên, năm 1953 Lê Thu cùng mẹ vào miền Nam sinh sống.

Trong khi đang theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers, vào năm 1959 trong một lần đến phòng trà Bồng Lai nghe nhạc, do sự khuyến khích của bạn bè, Lệ Thu bước lên sân khấu trình bày nhạc phẩm Dang dở. Ngay sau đó, ông chủ phòng trà đã mời Lệ Thu ký giao kèo biểu diễn. Cũng từ đó cô lấy nghệ danh Lệ Thu, trong một cuộc phỏng vấn, Lệ Thu trả lời: "Tôi lấy tên Lệ Thu vì tôi giấu gia đình. Thật ra tên đó nó không có trong tiềm thức của tôi nhưng tự nhiên nó bật ra, tôi không hiểu từ đâu".

Sau khi nhận lời cộng tác với phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu vẫn tiếp tục đi học nhưng một thời gian sau cô quyết định nghỉ học để theo đuổi con đường ca hát. Theo sau Bồng Lai, Lệ Thu cộng tác với Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát và kế đó là vũ trường Tự Do vào năm 1962 . Thời kỳ đó Lệ Thu thường trình bày những nhạc phẩm lời tiếng Pháp và tiếng Anh , nổi bật nhất là các bản như La Vie En Rose, A Certain Smile, La Mer, Love Is A Many Splendored Thing...

Cũng thời gian đó Lệ Thu thành hôn với một người đi học ở Pháp về tên Sơn. Lệ Thu dần nổi tiếng và trở thành một ca sĩ quan trọng của các vũ trường lớn ở Sài Gòn. Trong những năm 1968 đến 1971 , tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố đưa khách đến với các vũ trường Queen Bee, Tự Do và Ritz. Năm 1968, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee. Ngoài việc đi hát hàng đêm cô còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho Jo Marcel , khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát. Đến giữa năm 1969 , Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1970 Lệ Thu trở lại với vũ trường Tự Do cho đến khi vũ trường này bị nổ hơn một năm sau.

Lê Thu tham gia các chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội và Mẹ Việt Nam và thu âm cho nhiều băng nhạc. Cùng với Khánh Ly , Thái Thanh , Lê Thu là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của Sài Gòn cho tới 1975 . Sau cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, Lệ Thu kết hôn với ký giả Hồng Dương nhưng hai người chia tay sau khi có một con gái tên Thu Uyển.

Trong sự kiện tháng 4 năm 1975 , Lệ Thu quyết định ở lại Việt Nam vì còn mẹ, dù ngày 28 tháng 4 cô đã tới phi trường , bước chân máy bay nhưng rồi quay về. Lệ Thu gia nhập đoàn Kim Cương để đi trình diễn. Thời gian đó Lệ Thu hát những ca khúc nhạc đỏ và cũng có những thành công như bài Hà Nội niềm tin và hy vọng của Phan Nhân . Khoảng năm 1978 , Lệ Thu có mở một hàng cà phê mang tên con gái út là Thu Uyển trên đường Phan Tôn, Tân Định với sự cộng tác của Thanh Lan và nhạc sĩ Lê Văn Thiện .

Tháng 11 năm 1979 , Lê Thu cùng con gái út vượt biển đến Pulau Bidong , sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980 . Hai năm sau hai người con gái lớn của Lệ Thu cũng vượt biên và đoàn tụ với Lệ Thu tại nam California . Tại Hoa Kỳ, Lệ Thu tiếp tục đi hát, tái ngộ với khán giả trong một buổi trình diễn đặc biệt do Nam Lộc tổ chức tại Beverley Hills . Sau đó cô cộng tác cùng các vũ trường như Tự Do, Làng Văn và Maxim's. Năm 1981 Lệ Thu thực hiên băng nhạc đầu tiên của mình ở hải ngoại mang tên Hát trên đường tử sinh. Tiếp theo là những băng Thu hát cho người gồm nhiều ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của cô. Đến nay Lê Thu vẫn tiếp tục ca hát. Sau khi con cái trưởng thành và lập gia đình, Lệ Thu sống một mình ở thành phố Fountain Valley

Thursday, December 8, 2011

NHẬT TRƯỜNG : Tiếng Hát Đẹp Nét Điêu Khắc Trên Mặt Gỗ Quỳ.



Các bạn yêu ca nhạc đã từng gặp Nhật Trường trên màn ảnh TV CD ,DVD , trong tiết mục đơn ca, trong ban tứ ca Nhật Trường, trong nhạc cảnh với nữ ca sĩ Thanh Lan, cũng đã thấy nhân diện và vóc dáng ông ra sao rồi. Trên khung màn ảnh nhỏ, nhờ đèn rọi công phu nên mặt ông lồ lộ vẻ sáng mát.
Ông bảnh trai chớ chưa tới mức đẹp trai. Ở ngoài đời, vóc vạc ông liền lạc và cân đối, da mặt hồng hào, môi và nướu răng hồng tươi.
Nhưng mặt ông hơi thỏn, hàm răng trên hơi vẩu, miệng ông khi ngậm không tươi, nhưng khi ông cười thì nụ cười ý nhị.
Ông không có vẻ cởi mở, cái nhìn hơi lơ đãng và đăm chiêu. Khi lên màn ảnh truyền hình, ông chải tóc bóng loáng, ăn mặc bảnh bao, mày râu nhẵn nhụi nên nhan sắc ông vượt trên mức trung bình được vài phân.

Ban tứ ca Nhật Trường lúc đầu gồm có Nhật Trường và ba nữ ca sĩ Diễm Chi, Như Thủy (em gái của NT) và Vân Quỳnh (con gái của Dương Thiệu Tước và Minh Trang).
Sau đó Vân Quỳnh ly khai khỏi ban này thì ông thay thế bằng nữ ca sĩ Hồng Tước (em gái của Kim Tước). Trong ban tứ ca, ông hát giọng chính, còn ba cô kia hát giọng phụ.
Trong các màn nhạc cảnh với Thanh Lan, Nhật Trường mặc quân phục làm lính, Thanh Lan đóng vai em gái hậu phương. Cả hai dùng câu ca tiếng hát trước hết để nịnh nọt lính và o bế giấc mơ yêu lính của các cô thiếu nữ ngây thơ, sau đó để ve vãn nhau, mùi ơi là mùi.
Song song với ca hát, Nhật Trường sáng tác nhạc, lấy tên cúng cơm của mình làm nghệ danh. Đa số nhạc phẫm của ông hợp với cảm quan quần chúng; phần nhiều âm hưởng cổ nhạc cải lương Nam Kỳ lại nghèo nàn giai điệu. Tuy nhiên ông có những bài hay, đạt được tiêu chuẩn nghệ thuật như: "Trên Đỉnh Mùa Đông", "Khi Người Yêu Tôi Khóc", "Chiều Trên Phá Tam Giang" (phổ thơ Tô Thùy Yên).
Nhưng biết sao hơn! Chính những bản âm hưởng cổ nhạc cải lương Nam Kỳ mới nuôi sống ông một cách phủ phê, lại còn giúp ông nổi tiếng như cồn vì chúng bán chạy như tôm tươi, đi sâu vào khối đông quần chúng. Lính tráng hát những nhạc phẫm đó ra rã cả ngày.
Các cô thiếu nữ trong xóm lao động vừa nấu cơm kho cá vừa véo von chót chét những bài "Hoa Trinh Nữ", "Rừng Lá Thấp" v.vv... Biết bao thư thính giả bốn phương bay tới tấp như đàn én, đàn bướm về đài Quân Đội để yêu cầu các ca sĩ đương thời hát những nhạc phẫm ăn khách của Nhật Trường trên làn sóng điện.
Thật tình mà nói, Nhật Trường có tài ở hai phương diện ca hát và sáng tác nhạc. Ông thừa sức sáng tác những nhạc phẫm có giá trị và thừa sức đặt những lời hát đẹp như gấm, sáng như trăng. Giọng ông dù hát những nhạc phẫm hợp với quần chúng, nhưng xa khách sành điệu, tuy nhiên chẳng những là một giọng ca đẹp mà còn là một giọng ca điêu luyện nữa là khác.
Tiếng hát Nhật Trường thật gợi cảm, thật phong phú, chuỗi ngân thật đều và đẹp. Giọng hát ông đã đẹp, nhưng ông lại ưa nắn nót trong cách phát âm, cho nên tiếng hát trở nên điệu đà.
Đó có khác nào tấm gấm hồng đào đã dệt bông kim tuyến, vậy mà ông còn thêu thêm chỉ ngũ sắc nên màu sắc đã chói trở nên rườm rà.
Khán thính giả sành điệu có cảm tưởng giọng hát ông có một chút gì nịnh nọt phụ nữ thái quá. Nó như ve vãn phụ nữ không bằng cái nam tính của bậc trượng phu hảo hán, mà bằng màu mè phù phiếm, bằng cái ỏn thót quá ngọt, quá lộ liễu. Cho nên phần đông khán thính giả nghĩ rằng ông hát bằng trái tim hơi ít mà bằng cái mặt huê dạng của tình cảm hơi nhiều.
Nhật Trường xuất hiện sau Duy Khánh, nhưng nổi tiếng không kém Duy Khánh vào lúc Duy Khánh như vầng thái dương trên vòm trời ca nhạc.
Vào thuở cộng tác với chương trình "Nhạc Chủ Đề Mộc Lan" trên đài truyền hình, Nhật Trường có hát bài "Bướm Hoa" của Nguyễn Văn Thương rất tuyệt.
Khi lên cao, dù tiếng ông không vang lộng, nhưng không mỏng, không gắt. Làn hơi ông lại vừa phong phú vừa mượt mà. Chuỗi ngân của ông đều đặn làm người nghe có cảm tưởng như từng hột ngọc thạch, hột san hồ tròn xinh kết thành một xâu chuỗi dài.
Và đâu đó, Nhật Trường hát bài "Serenade" của Schubert cũng rất đạt.
Khi hát bản đó, ông bỏ bớt lớp phấn bướm diêm dúa của giọng hát để cho giọng hát cao sang thanh thóat, để cách diễn tả thật Tây Phương và cũng thật chân phương, để cho cái đẹp tự nhiên của giọng hát ông được bộc lộ trọn vẹn.












Monday, December 5, 2011

Bóng Hồng trong bản Nhạc "Ướt mi" và "Thương một người"


Thanh Thúy tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh năm 1943 tại Huế trong một gia đình có 5 người con. Do bà mẹ mắc bệnh nan y nên gia đình Thanh Thúy phải rời đất Thần kinh đưa mẹ vào Sài Gòn chữa trị.

Gia đình họ thuê một căn nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Cao Thắng. Để mưu sinh và để kiếm thêm tiền phụ vào việc thuốc thang cho mẹ, Thanh Thúy đã đến với nghiệp ca hát khi mới 16 tuổi. Thân gái dặm trường nơi đất khách quê người, điều khiến cho Thanh Thúy “dám” tự tin xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu chính là giọng hát của mình vốn từng được nhiều lời khen ngợi.

    Lần đầu tiên tiếng hát Thanh Thúy đến với công chúng Sài Gòn là ở phòng trà Việt Long của  Đức Quỳnh vào cuối năm 1959. Với chất giọng trầm ấm, hơi khàn và lối phát âm, nhả chữ rất riêng, giọng ca của Thanh Thúy mang nỗi buồn man mác, nghẹn ngào nức nở. Dáng dấp mảnh mai và mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy trong tà áo dài màu trắng hoặc lam nhạt... tạo cho nàng ca sĩ xứ Huế này một phong thái thật đặc biệt…
Những bản nhạc Thanh Thúy thường hát là Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong), Tiếng xưa (Dương Thiệu Tước), Kiếp nghèo (Lam Phương), Tàu đêm năm cũ, Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương)…
Tháng 6.1960, thân mẫu của Thanh Thúy qua đời, điều đó càng làm cho giọng hát của chị thêm não nùng để những ai “lỡ nghe” đều có cảm xúc lâng lâng… Và, như đã nói ở bài trước, có cả một thế hệ văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đâm ra…mê mệt với Thanh Thúy, trong đó có một  chàng thư sinh mới tò te bước vào làng nhạc, nhưng sau này rất nổi
tiếng: Trịnh Công Sơn!
                                                    Ca sĩ Thanh Thúy
Trong tác phẩm Về một quãng đời Trịnh Công Sơn (của Nguyễn Thanh Ty), nhạc sĩ tâm sự: “Năm đó tôi 17 tuổi, trọ học ở Sài Gòn, đêm nào tôi cũng lò dò đến các phòng trà để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn bởi tôi mặc cảm nghèo và vô danh, trong khi Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập. Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền để mua một ly nước chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao, mơ ước phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng. Cái khát vọng đó đã giúp tôi viết nên bản nhạc Ướt mi đầu tiên trong đời...”.
Đó là lần ngồi ở nhà hàng Mỹ Cảnh, chàng trai trẻ Trịnh Công Sơn đã viết vào một mảnh giấy nhỏ, đề nghị ca sĩ Thanh Thúy hát bài Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. Điều chàng bất ngờ là Thanh Thúy đã hát bài này với một cảm xúc thật mãnh liệt, khi hát “...vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành, như nhủ trời xanh: Gió ngừng đi, mưa buồn chi, cho cõi lòng lâm ly... Ai nức nở thương đời châu buông mau, dương thế bao la sầu...” - nhớ đến người mẹ bị lao phổi nặng, đang mỏi mòn chờ con trong căn nhà nhỏ ở con hẻm sâu - nàng đã bật khóc. Những giọt nước mắt đọng trên vành mi của người ca sĩ tuổi mới tròn trăng đã gieo vào lòng Trịnh Công Sơn nỗi xúc cảm tràn ngập để chàng viết thành ca khúc Ướt mi.
“Khi hoàn thành, tôi nắn nót chép lại thật kỹ càng và luôn mang theo bên mình chờ có dịp tặng nàng. Với sự nhút nhát của tuổi trẻ, tôi không dám đưa tặng ngay mà phải chờ khá lâu mới có cơ hội. Một hôm tôi đánh bạo, tìm một chỗ sát sân khấu, dự định khi nàng vừa dứt tiếng hát là tôi sẽ đứng lên đưa luôn. Đã mấy lần định làm vẫn không kịp. Nàng vừa cúi đầu chào khán giả là đã có người chực sẵn rước đi ngay. Cái đêm định mệnh mà tôi quyết tâm an bài đã thành công. Khi cầm bản nhạc trong tay, nghe mấy lời lí nhí của tôi, nàng chỉ thoáng nhìn tôi một chút rồi quay vào hậu trường. Đêm đó, tôi nôn nao không ngủ được... Mãi đến hai tuần sau, khi tôi sắp tuyệt vọng vì mỏi mòn chờ đợi thì một đêm kia, khi bước lên bục diễn, dàn nhạc dạo khúc mở đầu thì nàng ra dấu cho dàn nhạc tạm im tiếng để nàng nói vài lời: “Thưa quý vị ! Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác phẩm rất mới của một nhạc sĩ rất lạ tặng cho Thúy. Đó là nhạc phẩm Ướt mi của tác giả Trịnh Công Sơn. Hy vọng đêm nay sẽ có sự hiện diện của tác giả để Thúy được nói vài lời cám ơn”. Nói xong, nàng quay sang ban nhạc, đưa bản nhạc của tôi cho họ dạo nhạc bắt đầu. Nàng cất tiếng hát: “Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi. Người ơi nước mắt hoen mi rồi. Đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca... Buồn ơi trong đêm thâu, ôm ấp giùm ta nhé: người em thương mưa ngâu, hay khóc sầu nhân thế…Trời sao chưa thôi mưa, ôi mắt người em ấy. Từ đây thôi mờ, nước mắt buồn mi em thơ ngây...”. Tôi run lên trong lòng vì sung sướng và xúc động…Khi dứt tiếng hát, nàng dừng lại khá lâu, có ý chờ người tặng nhạc. Tôi thu hết can đảm, bước lên và nói: “Xin cám ơn Thanh Thúy đã hát bài nhạc của tôi”. Nàng “A” lên một tiếng ra vẻ bất ngờ rồi nói tiếp: “Thúy rất cám ơn anh đã tặng cho bản nhạc. Thúy muốn nói chuyện riêng với anh được không ?”. Tôi luống cuống gật đầu…Tôi cùng nàng đón taxi về nhà nàng. Nhà nàng ở sâu trong một ngõ hẻm...
Cũng chính từ ngõ hẻm nhà nàng mà Trịnh Công Sơn làm tiếp bài Thương một người: “Thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi... Thương nụ cười và mái tóc buông lơi. Mùa thu úa trên môi, từng đêm qua ngõ tối, bàn chân âm thầm nói. Lặng nghe gió đêm nay, ngại buốt quá đôi vai. Bờ vai như giấy mới, sợ nghiêng hết tình tôi…”. Đó là hai bản nhạc trong “thuở vào đời” của Trịnh Công Sơn và những kỷ niệm thật đẹp với nữ ca sĩ Thanh Thúy.
Hà Đình Nguyên





Thúy đã đi rồi

Trong gia tài sáng tác khá đồ sộ của nhạc sĩ Y Vân, có một bản nhạc đặc biệt: Thúy đã đi rồi... Bản nhạc này rất thịnh hành vào thập niên 60 thế kỷ trước. Tuy nhiên, đằng sau bản nhạc là một bí mật ít người biết tới.

Nghệ sĩ vốn đa tình, cho nên chuyện trăng hoa, ong bướm âu cũng là nghiệp chướng. Nhưng trường hợp của nhạc sĩ Y Vân lại khác, bởi bà Minh Lâm - vợ ông, từng khẳng định với người viết là ông rất đứng đắn, nghiêm túc trong chuyện tình cảm và không giấu bà điều gì. Ngay cả bút danh Y Vân bà cũng biết, đó là cuộc tình thời trai trẻ của ông và thiếu nữ mang tên Tường Vân. Cuộc tình không thành nhưng để lại dấu ấn trong cái tên ký dưới mỗi bản nhạc do ông sáng tác: Y Vân (nghĩa là “Yêu Vân”). Cả chuyện cô gái chủ quán bi-da mà ông hay đến chơi, thường nhìn ông với ánh mắt “bất thường” để ông có cảm xúc viết thành ca khúc Khi em nhìn anh ông cũng kể hết với bà. Vậy, sao lại có bản Thúy đã đi rồi, gọi đích danh tên một người con gái với những ca từ mang tâm trạng của một kẻ đắm đuối trong bể tình:

“Thúy đã đi rồi.
Những ngày băng giá không tiếng cười.
Thúy đã đi rồi.
Biết làm sao cho nhớ thương nguôi.
Ðời em về đâu?
Cho gió trăng sầu.
Tìm em ở đâu?
Ðường mây tìm dấu…
Thúy quá vô tình.
Ví dù em có hay dỗi hờn.
Cũng vẫn hơn là bến tình anh lê gót cô đơn...”.

Do nhạc sĩ Y Vân đã mất (năm 1992), nên tôi đem điều này hỏi người em ruột của ông là nhạc sĩ Y Vũ. Ông tiết lộ: “Tôi nói rõ sự thật nhé, anh Y Vân đã viết ca khúc này thay cho tâm sự của một người bạn rất thân, đó là tài tử điện ảnh kiêm kịch sĩ Nguyễn Long (còn gọi là Long Ðất). Vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước, Nguyễn Long yêu say đắm ca sĩ Thanh Thúy nhưng cô ca sĩ tài danh này không chút mảy may động lòng. Nguyễn Long âm thầm sống trong đau khổ, cay đắng một mình. Rồi một hôm, nhạc sĩ Y Vân bắt gặp anh chàng thất tình này trong quán cà phê với bộ dạng “ngó phát chán”, Y Vân hỏi han và Long Ðất đã thổ lộ mối tình sâu kín.
Thương cảm mối tình đơn phương của người bạn thân, Y Vân đã viết Thúy đã đi rồi. Bài này trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng của dòng nhạc blue thời bấy giờ. Bài hát được khá nhiều ca sĩ trình bày, trong đó có cả ca sĩ Thanh Thúy. Hát thì cứ hát, nhưng con tim của nàng chẳng chút lay động, cho dù hằng đêm anh chàng Nguyễn Long vẫn bám theo nàng “trên từng cây số”, qua những phòng trà mà cô đến biểu diễn. Người đẹp vẫn đó, vẫn đùa vui trước đôi mắt ngây dại của gã si tình mà chẳng hề quan tâm”.
Ðến đây, người viết xin được mở ngoặc để nói về tài sắc của nữ ca sĩ Thanh Thúy. Chị sinh năm 1943 tại Huế. Ði hát từ năm 16 tuổi (1959) và sở hữu một giọng hát hết sức đặc biệt: khàn đặc như có pha rượu, nghẹn ngào, nức nở với dáng dấp mảnh mai, mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy… Giọng hát ấy, dáng dấp ấy như có ma lực khiến ai “lỡ nghe” rồi là say như điếu đổ... Chẳng thế mà hầu hết văn nghệ sĩ cùng thời đã “nghiện” tiếng hát mà họ ví von với rất nhiều hình ảnh: lơ lửng với khói sương, nhấp nhô cùng sóng nước, đam mê theo cung bậc, thì thầm với kẻ tình si, du dương trong tĩnh lặng, vỗ về với yêu thương.
Năm 1962, Thanh Thúy được bầu chọn là Hoa hậu Nghệ sĩ, đồng thời là “Nữ ca sĩ ăn khách nhất” suốt 3 năm liền.
Tháng 11.1961, Nguyễn Long thực hiện cuốn phim Thúy đã đi rồi, theo ca khúc của nhạc sĩ Y Vân và nhạc phim do ca sĩ Hùng Cường hát. Nữ ca sĩ Minh Hiếu đóng vai Thanh Thúy. Ngoài bộ phim này, hình ảnh Thanh Thúy còn xuất hiện trên kịch sân khấu, kịch truyền hình. Các nghệ sĩ Kim Cương, Bích Thủy, Xuân Dung... đều đã đóng vai Thanh Thúy. Thanh Thúy thật sự là một con người tài sắc nổi trội khiến cánh đàn ông hồi đó có đủ “lý do chính đáng” để mê mệt cô như một thần tượng.
Trở lại với chàng tình si Nguyễn Long - dù đã nặng tình đeo đuổi, thậm chí đã làm phim về nàng nhưng không sao lọt vào mắt xanh của nàng. Mang tâm trạng u uất, Nguyễn Long đã trải lòng qua bài thơ tự sáng tác Thôi. Bài thơ này cũng được Y Vân phổ thành tình khúc mà cho đến nay vẫn còn ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ: “Thôi, em đừng khóc nữa làm gì! Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa. Thôi em đừng khóc, em đừng khóc, đừng khóc nữa giọt lệ sầu làm sao xóa hết tâm tư... Ôi cuộc đời đầy phong ba giữa lòng người. Lệ sầu chia ly buồn tê tái. Ly rượu này đầy thương đau tấm hình hài. Thu man mác buồn, mùa thu ơi!...”.
Nguyễn Long khi ấy mới khoảng 30 tuổi, nghe nói phải hơn mười năm sau ông mới lập gia đình, còn ca sĩ Thanh Thúy đã lấy chồng trước đó (năm 1964).
Hà Ðình Nguyên
Thanh Thúy cũng là “người yêu trong mộng” của rất nhiều người. Trịnh Công Sơn viết bản nhạc đầu tay Ướt mi dành tặng Thanh Thúy.
Tôn Thất Lập viết Tiếng hát về khuya vì Thanh Thúy.
Thi sĩ Hoàng Trúc Ly “tán”:
“Từ em tiếng hát lên trời/
Tay xao dòng tóc,
tay vời âm thanh/
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh/
Lắng nghe da thịt tan thành hư vô”.

Họa sĩ Vũ Hối buông cọ để làm thơ:
“Liêu trai tiếng hát khói sương/
Nghẹn ngào nhung nhớ dòng Hương quê mình/
Nghiên sầu từng nét lung linh/
Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương”...

Nhà văn Mai Thảo gọi cô là “Tiếng hát lúc 0 giờ”,
giáo sư triết học Nguyễn Văn Trung thì cho là “Tiếng hát liêu trai”, nhạc sĩ Tuấn Huy gọi là “Tiếng sầu ru khuya”...

Sunday, December 4, 2011

Khánh Ly Tiếng Hát Đẹp Man Rợ




Thú thật ở chương 15 của quyển " Chân Dung Những Tiếng Hát " này , tôi muốn dành chung cho Lệ Thu và Khánh Ly. Nhưng nghĩ lại , tôi thấy không ổn.

Dù nhờ cả hai mà các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn nổi tiếng , Nhưng giọng hát của mỗi người có một bản sắc riêng , cương vị của mỗi người trong ca trường nhạc giới co' một chỗ lộng lẫy huy hoàng riêng. Cho nên tôi phải viết về mỗi người một chương riêng để khỏi bị bà nầy phàn nàn và bị bà kia nhăn nhó.

Tiếng hát Khánh Ly là một giọng hiếm quý. Dù chưa đạt được kỹ thuật thâm hậu , nhưng đây là một giọng cao sang thanh thoát , không đục ngầu những cặn bã , những cái huê dạng kỳ quái và bịnh hoạn.

Tôi không hiểu vì sao nó hợp với các ca khúc của Trịnh Công Sơn một cách kỳ diệu , như trăng phải có nước để lồng bóng , như tuyết phải có mai để đọ màu. Bài hát " Diễm xưa " trước đó đã có Thái Thanh thâu vào dĩa mà chẳng ai buồn chú ý đến. Phải đợi đến Khánh Ly diển tả thì bài hát mới khởi sắc bừng hượng Hình như đa số ca khúc họ Trịnh đều được Khánh Ly hát đạt tình đạt ý , trừ ra bài " Xin Mặt Trời Ngủ Yên " và bài " Hãy Khóc Đi Em ".

Ở bài đầu Khánh Ly làm sao gào xé ruột bằng Lệ Thu vì giọng Lệ Thu cao hơn và chắc nịch hơn giọng cô. Ở bài sau cô cũng không thể gào và chuyền hơi bẵng Carol Kim. Cả hai Lệ Thu và Carol Kim không ngân nga vững và đẹp như Khánh Ly , nhưng về phần diển tả và phần cao độ của giọng hát , họ trội hơn Khánh Ly, đạt tình đạt ý trong hai nhạc phẩm đó hơn cô.

Tiếng hát của Khánh Ly khàn khàn như phảng phất khói thuốc lá , như vương vấn sa mù trộn bóng tối. Tuy nhiên ở chót đuôi nó loé ra âm vang dòn sang sảng cực kỳ gợi cảm.

Cô ngân nga thoải mái dù chuỗi ngân không được dài lắm. Cô xuống trầm cũng dể dàng , nhưng ở những chổ trầm , tiếng cô không căng phồng không dầy cộm , không rền vang như tiếng Thanh Thúy.

Tóm lại về kỹ thuật , Khánh Ly hát khá trội, không có lỗi lầm tỳ vết , nhưng không có cái chân truyền thâm hậu. Nhung về tình ý , dù không điệu đà , Khánh Ly hát vẫn đẹp gợi cảm. Đó là thứ đẹp gợi cảm từ bản chất , không cần nắn nót chạm trổ gì cả.

Ngoài ra 12 ca khúc của Lê Uyên Phương mà cô hát trong băng nhạc với chủ đề " Vũng Lầy Của Chúng Ta " trong đó có những bài tiêu biểu như " Hãy Ngồi Xuống Đây " , " Vũng Lầy Của Chúng Ta ", " Tình Khúc Cho Em " , " Uống Nước Bên Bờ Suối " đều rất truyền cảm , có thể tahy thế nữ ca sĩ Lê Uyên đã từng hát trước đây , khi chưa ra hải ngoại.

Nhạc đã đẹp trong tình ý nóng bỏng nhục cảm , lời hát đã đẹp hoang dã, cả hai rất hợp với giọng hát rất đẹp man dại của Khánh Ly. Thật ra , tiếng hát của Khánh Ly và tiếng hát của Lê Uyên giống nhau một mười một tám. Băng nhạc này do Khánh Ly tặng cho tôi vào năm 1991 , và tôi trân quý như một siêu phẩm của chàng nhạc sĩ Lê Uyên Phương và cũng như một kiệt phẩm của Khánh Ly.

Tiếng hát Khánh Ly đưa chúng ta đến những cảnh thiên nhiên man rợ , nơi đó có những dãy rừng trinh bạch mà chân các nhà thám hiểm chưa hề đặt chân tới. Nơi đó có những di tích của những kỳ quan nguy nga tráng lệ từ hằng nghìn năm xưa bị chôn vùi , có những bóng ma nghìn năm chưa siêu sinh và còn lảng vảng trong đêm tà mờ sương.

Tiếng hát đó cũng đua ta về thuở hồng hoang thái cổ , về thòi khuyết sử để chúng ta cảm nhận được cái đẹp man rợ của khắp cõi địa cầu với những thứ cây trổ kỳ hoa dị quả , với những quái cầm dị điểu không còn sống trên cõi đời nầy nữa sau khi trái đất trải qua những kỷ nguyên thay đổi từng chặng không ngừng. Tiếng hát đó gợi nên cái đẹp phá thể , cái đẹp hoang vu , cái đẹp thoát ra khuôn vàng thước ngọc của trường phái cổ điển.

Ra hải ngoại , Khánh Ly đi lưu diễn cùng khắp Âu, Mỹ, Úc. Cô vô băng nhạc xối xả, sau đó là a nhạc và băng hình. Cô có lập hãng băng nhạc dành ưu tiên cho giọng hát cô (hãng băng nhạc Khánh Ly ). Có lần tôi được xem cô hát trong băng hình Asia video 10 với chủ đề " Gởi Người Một Miềm Vui ".

Cô hát bài " Biển Nhớ " của Trịnh Công Sơn. Cô mặc chiếc dài màu chàm đậm tức là màu xanh mà Phạm Duy viết lời ca cho bản " Le Beau Danube Bleu ": "Ôi mắt em xanh như đêm dài ". Trên nền xanh phía trước có in hình hoa lan trắng to hơn miệng bát , cổ và cánh tay mặt cùng lưng áo phía sau cũng bằng thứ lụa nền xanh ,, nhưng nổi những chấm confettis trắng.

Chiếc áo chỉ có màu tối in hoa và chấm trắng nhưng lại nổi bật lên sự kết hợp tươi sáng và xôn xao. Cô giồi phấn hồng đào , tô son màu hạt lựu khá thắm rỡ. tóc cô bỏ xõa , không có dáng rũ rượi như là tóc mềm chải khéo, đóng khung cho khuôn mặt làm ra vẻ thiểu não rất cần thiết khi cô hát bản nhạc buồn.

Giọng hát cô vẫn trơn như loại hương du ( dầu dừa , dầu mù u ) rót từ chai vào thếp đèn , vẫn ngọt ngào say sưa như mật ong. Chuỗi ngân cô rất dài và rất lưu loát.
Tiếng hát cô không cần chăm sóc . Cô hút thuốc liên miên , cô ăn đủ loại mắm thả cửa , vậy mà nó vẫn chưa hư hao mòn khuyết , vẫn nguyên vẹn như vần tố nguyệt đêm rằm . Xin mừng cho cô .