Monday, December 12, 2011

Lệ Thu Tiếng Ca Khởi Phụng Đằng Giao













Năm 1963 hay 1965 gì đó, tôi được nghe Lệ Thu hát bản "Xin Mặt Trời Ngủ Yên" của Trịnh Công Sơn trong dĩa nhựa microsillon. Cách gào rống vô cùng độc đáo đến mức trác tuyệt khi cô hát lên cao làm tôi ngưỡng mộ nồng nhiệt. Cũng như bài "Summertime", bài "Xin Mặt Trời Ngủ Yên" là bài

Blue có chổ lên cao, chỉ có cách gào rống mới diễn tả nổi cái đau banh gan xé ruột. Ở bài "Summertime" là nổi đau trong kiếp nô lệ nhục nhằn của người Mỹ da đen.
Ở bài "Xin Mặt Trời Ngủ Yên" là nổi đau đớn lớn của kiếp nhân sinh. Gào rống mà tiếng hát vẫn giữ vững cao độ, không sai một bán cung lại còn ngân nga rựa ràng như trường hợp Lệ Thu đâu phải dễ. Giọng hát Lệ Thu cao nên cô trình bày các ca khúc Tây phương có chổ lên cao như "Come Back To Sorrento" của De Curtis, bản "Tristesse" của Chopin, bản "Serenata" của Enrico Tosselli, bản "Rêveries" của Robert Schumann đều hay, nhưng chỉ giúp cô nổi tiếng ở phòng trà Tự Do, chứ chưa đưa cô vào môi trường khách sành điệu lẫn khán thính giả thời thượng bên ngoài. Và theo tôi, chính những ca khúc theo thể điệu Blue mới làm nổi bật cái độc đáo của tiếng hát cô.
Tuy nhiên, ca khúc "Xin Mặt Trời Ngủ Yên" chỉ là cái cửa mở ngỏ để cô đi vào nhạc của Trịnh Công Sơn nhưng chưa phải là cái thang để cô leo lên tuyệt đỉnh vinh quang.

Thật ra, Lệ Thu được khán thính giả bốn phương ngưỡng mộ qua bài "Ngậm Ngùi" của Phạm Duy. Đây là một trường hợp ngộ nghĩnh. Vào thuở cuộc chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh, nhạc sĩ Lê Thương có phổ bài thơ này thành ca khúc "Tiếng Thuỳ Dương" và chỉ được vài ca sĩ đài phát thanh Pháp Á hát vài lần là bị xếp im lìm trong kho tàng nhạc sử nước nhà. Sau đó rất lâu, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc "Ngậm Ngùi" có nhờ Anh Ngọc thu vào dĩa microsillon để giao duyên với giọng ngâm của Hoàng Oanh.
Bài hát vẫn không được ai chú ý. Chỉ có bài thơ của Huy Cận và giọng ngâm sắc vút của Hoàng Oanh là còn gây dư vang và tình ý trong lòng khách mộ điệu mà thôi.
Phải đợi giọng diễn tả của Lệ Thu, bài hát mới nổi danh như cồn. Nhờ vậy, Lệ Thu trở thành một ngôi sao sáng tuyệt vời trên vòm trời ca nhạc.
Có vậy, khi tiếp tục hát thêm các ca khúc của Trịnh Công Sơn, cô mới cùng Khánh Ly làm nổi tiếng các tác phẩm của anh chàng du ca tài ba lỗi lạc này.
Khi bài "Ngậm Ngùi" nổi tiếng kỷ lục thì nhạc sĩ Phạm Duy khoái quá, sáng tác bài "Nước Mắt Mùa Thu", lấy ý từ cái tên Lệ Thu để tặng người ca sĩ này.
Thật ra thì cái tên Lệ Thu là cái tên khá phổ thông từ thuở xưa. Nhưng Lệ không có nghĩa là nước mắt mà là đẹp: diễm lệ, mỹ lệ, thanh lệ, tú lệ, kiều lệ. Lệ Thu là mùa thu đẹp.

Còn tiếng hát Lệ Thu thì sao? Tiếng cô khàn mà cao vút. Khi lên cao, cô vẫn giữ giọng thật, cô rống lên thật vang dội để cho tiếng trải đều ra, vạm vỡ và dũng mãnh như thác nước Niagara. Những bản "Hương Xưa", "Hoài Cảm" của Cung Tiến, "Chiếc Lá Cuối Cùng" của Tuấn Khanh, "Ngày Đó Chúng Mình" của Phạm Duy là những bản để cô biểu diễn giọng cao như bay vút tận trăm tầng cổ tháp và rắn rỏi như đá hoa cương của mình.

Giọng cao mà khàn khàn, dòn và sáng. Nhưng chuỗi ngân của cô không đều, hơi thô rít, làn hơi cô hơi ngắn, phải tinh tai lắm mới thấy cô vá víu làn hơi và chuỗi ngân của mình. Cô trình bày bản nhạc đơn giản, không ỏng ẹo điệu đà nên tiếng hát dễ đi sâu vào tâm hồn người thưởng ngoạn.
Tiếng hát của Lệ Thu làm cho chúng ta nghĩ đến một trái hỏa châu bắn vọt lên không trung để tỏa ngời ánh sáng. Nó cũng giống như cây pháo Phi Thiên Thập Hưởng khi đốt phải phóng lên không trung để cho tiếng vang xa như sấm rền. Và qua những chuyện thần thọai của Trung Hoa, chúng ta có thể nghĩ đó là con giao long tu luyện lâu năm nên khi đắc đạo bay vọt lên chín từng mây biếc, thóat khỏi kiếp sấu để biến thành con rồng thiêng về chầu đức Ngọc Hòang Thượng Đế. Nó cũng như con phụng từ đỉnh cao chót vót đáp xuống rừng xanh,

 Lệ Thu là một ca sĩ nổi tiếng, một trong những giọng ca lớn của tân nhạc Việt Nam . Tiếng hát của Lê Thu tuy không gắn với một nhạc sĩ nào, nhưng cô là người trình bày rất thành công nhạc của Trịnh Công Sơn , Phạm Duy , Phạm Đình Chương , Cung Tiến ... và nhiều nhạc phẩm nhạc tiền chiến , tình ca 1954-1975 khác.

Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16 tháng 07 năm 1943 tại Hải Phòng , nhưng trải qua thời thơ ấu ở Hà Đông . Bố mẹ Lệ Thu sinh được tất cả 8 người con, nhưng 7 người con đầu đều qua đời vào năm lên 3 tuổi. Do đó Lệ Thu là người con duy nhất còn lại trong gia đình. Mẹ Lệ Thu là người vợ thứ hai, vì những khó khăn do người vợ cả gây nên, năm 1953 Lê Thu cùng mẹ vào miền Nam sinh sống.

Trong khi đang theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers, vào năm 1959 trong một lần đến phòng trà Bồng Lai nghe nhạc, do sự khuyến khích của bạn bè, Lệ Thu bước lên sân khấu trình bày nhạc phẩm Dang dở. Ngay sau đó, ông chủ phòng trà đã mời Lệ Thu ký giao kèo biểu diễn. Cũng từ đó cô lấy nghệ danh Lệ Thu, trong một cuộc phỏng vấn, Lệ Thu trả lời: "Tôi lấy tên Lệ Thu vì tôi giấu gia đình. Thật ra tên đó nó không có trong tiềm thức của tôi nhưng tự nhiên nó bật ra, tôi không hiểu từ đâu".

Sau khi nhận lời cộng tác với phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu vẫn tiếp tục đi học nhưng một thời gian sau cô quyết định nghỉ học để theo đuổi con đường ca hát. Theo sau Bồng Lai, Lệ Thu cộng tác với Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát và kế đó là vũ trường Tự Do vào năm 1962 . Thời kỳ đó Lệ Thu thường trình bày những nhạc phẩm lời tiếng Pháp và tiếng Anh , nổi bật nhất là các bản như La Vie En Rose, A Certain Smile, La Mer, Love Is A Many Splendored Thing...

Cũng thời gian đó Lệ Thu thành hôn với một người đi học ở Pháp về tên Sơn. Lệ Thu dần nổi tiếng và trở thành một ca sĩ quan trọng của các vũ trường lớn ở Sài Gòn. Trong những năm 1968 đến 1971 , tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố đưa khách đến với các vũ trường Queen Bee, Tự Do và Ritz. Năm 1968, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee. Ngoài việc đi hát hàng đêm cô còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho Jo Marcel , khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát. Đến giữa năm 1969 , Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1970 Lệ Thu trở lại với vũ trường Tự Do cho đến khi vũ trường này bị nổ hơn một năm sau.

Lê Thu tham gia các chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội và Mẹ Việt Nam và thu âm cho nhiều băng nhạc. Cùng với Khánh Ly , Thái Thanh , Lê Thu là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của Sài Gòn cho tới 1975 . Sau cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, Lệ Thu kết hôn với ký giả Hồng Dương nhưng hai người chia tay sau khi có một con gái tên Thu Uyển.

Trong sự kiện tháng 4 năm 1975 , Lệ Thu quyết định ở lại Việt Nam vì còn mẹ, dù ngày 28 tháng 4 cô đã tới phi trường , bước chân máy bay nhưng rồi quay về. Lệ Thu gia nhập đoàn Kim Cương để đi trình diễn. Thời gian đó Lệ Thu hát những ca khúc nhạc đỏ và cũng có những thành công như bài Hà Nội niềm tin và hy vọng của Phan Nhân . Khoảng năm 1978 , Lệ Thu có mở một hàng cà phê mang tên con gái út là Thu Uyển trên đường Phan Tôn, Tân Định với sự cộng tác của Thanh Lan và nhạc sĩ Lê Văn Thiện .

Tháng 11 năm 1979 , Lê Thu cùng con gái út vượt biển đến Pulau Bidong , sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980 . Hai năm sau hai người con gái lớn của Lệ Thu cũng vượt biên và đoàn tụ với Lệ Thu tại nam California . Tại Hoa Kỳ, Lệ Thu tiếp tục đi hát, tái ngộ với khán giả trong một buổi trình diễn đặc biệt do Nam Lộc tổ chức tại Beverley Hills . Sau đó cô cộng tác cùng các vũ trường như Tự Do, Làng Văn và Maxim's. Năm 1981 Lệ Thu thực hiên băng nhạc đầu tiên của mình ở hải ngoại mang tên Hát trên đường tử sinh. Tiếp theo là những băng Thu hát cho người gồm nhiều ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của cô. Đến nay Lê Thu vẫn tiếp tục ca hát. Sau khi con cái trưởng thành và lập gia đình, Lệ Thu sống một mình ở thành phố Fountain Valley

Thursday, December 8, 2011

NHẬT TRƯỜNG : Tiếng Hát Đẹp Nét Điêu Khắc Trên Mặt Gỗ Quỳ.



Các bạn yêu ca nhạc đã từng gặp Nhật Trường trên màn ảnh TV CD ,DVD , trong tiết mục đơn ca, trong ban tứ ca Nhật Trường, trong nhạc cảnh với nữ ca sĩ Thanh Lan, cũng đã thấy nhân diện và vóc dáng ông ra sao rồi. Trên khung màn ảnh nhỏ, nhờ đèn rọi công phu nên mặt ông lồ lộ vẻ sáng mát.
Ông bảnh trai chớ chưa tới mức đẹp trai. Ở ngoài đời, vóc vạc ông liền lạc và cân đối, da mặt hồng hào, môi và nướu răng hồng tươi.
Nhưng mặt ông hơi thỏn, hàm răng trên hơi vẩu, miệng ông khi ngậm không tươi, nhưng khi ông cười thì nụ cười ý nhị.
Ông không có vẻ cởi mở, cái nhìn hơi lơ đãng và đăm chiêu. Khi lên màn ảnh truyền hình, ông chải tóc bóng loáng, ăn mặc bảnh bao, mày râu nhẵn nhụi nên nhan sắc ông vượt trên mức trung bình được vài phân.

Ban tứ ca Nhật Trường lúc đầu gồm có Nhật Trường và ba nữ ca sĩ Diễm Chi, Như Thủy (em gái của NT) và Vân Quỳnh (con gái của Dương Thiệu Tước và Minh Trang).
Sau đó Vân Quỳnh ly khai khỏi ban này thì ông thay thế bằng nữ ca sĩ Hồng Tước (em gái của Kim Tước). Trong ban tứ ca, ông hát giọng chính, còn ba cô kia hát giọng phụ.
Trong các màn nhạc cảnh với Thanh Lan, Nhật Trường mặc quân phục làm lính, Thanh Lan đóng vai em gái hậu phương. Cả hai dùng câu ca tiếng hát trước hết để nịnh nọt lính và o bế giấc mơ yêu lính của các cô thiếu nữ ngây thơ, sau đó để ve vãn nhau, mùi ơi là mùi.
Song song với ca hát, Nhật Trường sáng tác nhạc, lấy tên cúng cơm của mình làm nghệ danh. Đa số nhạc phẫm của ông hợp với cảm quan quần chúng; phần nhiều âm hưởng cổ nhạc cải lương Nam Kỳ lại nghèo nàn giai điệu. Tuy nhiên ông có những bài hay, đạt được tiêu chuẩn nghệ thuật như: "Trên Đỉnh Mùa Đông", "Khi Người Yêu Tôi Khóc", "Chiều Trên Phá Tam Giang" (phổ thơ Tô Thùy Yên).
Nhưng biết sao hơn! Chính những bản âm hưởng cổ nhạc cải lương Nam Kỳ mới nuôi sống ông một cách phủ phê, lại còn giúp ông nổi tiếng như cồn vì chúng bán chạy như tôm tươi, đi sâu vào khối đông quần chúng. Lính tráng hát những nhạc phẫm đó ra rã cả ngày.
Các cô thiếu nữ trong xóm lao động vừa nấu cơm kho cá vừa véo von chót chét những bài "Hoa Trinh Nữ", "Rừng Lá Thấp" v.vv... Biết bao thư thính giả bốn phương bay tới tấp như đàn én, đàn bướm về đài Quân Đội để yêu cầu các ca sĩ đương thời hát những nhạc phẫm ăn khách của Nhật Trường trên làn sóng điện.
Thật tình mà nói, Nhật Trường có tài ở hai phương diện ca hát và sáng tác nhạc. Ông thừa sức sáng tác những nhạc phẫm có giá trị và thừa sức đặt những lời hát đẹp như gấm, sáng như trăng. Giọng ông dù hát những nhạc phẫm hợp với quần chúng, nhưng xa khách sành điệu, tuy nhiên chẳng những là một giọng ca đẹp mà còn là một giọng ca điêu luyện nữa là khác.
Tiếng hát Nhật Trường thật gợi cảm, thật phong phú, chuỗi ngân thật đều và đẹp. Giọng hát ông đã đẹp, nhưng ông lại ưa nắn nót trong cách phát âm, cho nên tiếng hát trở nên điệu đà.
Đó có khác nào tấm gấm hồng đào đã dệt bông kim tuyến, vậy mà ông còn thêu thêm chỉ ngũ sắc nên màu sắc đã chói trở nên rườm rà.
Khán thính giả sành điệu có cảm tưởng giọng hát ông có một chút gì nịnh nọt phụ nữ thái quá. Nó như ve vãn phụ nữ không bằng cái nam tính của bậc trượng phu hảo hán, mà bằng màu mè phù phiếm, bằng cái ỏn thót quá ngọt, quá lộ liễu. Cho nên phần đông khán thính giả nghĩ rằng ông hát bằng trái tim hơi ít mà bằng cái mặt huê dạng của tình cảm hơi nhiều.
Nhật Trường xuất hiện sau Duy Khánh, nhưng nổi tiếng không kém Duy Khánh vào lúc Duy Khánh như vầng thái dương trên vòm trời ca nhạc.
Vào thuở cộng tác với chương trình "Nhạc Chủ Đề Mộc Lan" trên đài truyền hình, Nhật Trường có hát bài "Bướm Hoa" của Nguyễn Văn Thương rất tuyệt.
Khi lên cao, dù tiếng ông không vang lộng, nhưng không mỏng, không gắt. Làn hơi ông lại vừa phong phú vừa mượt mà. Chuỗi ngân của ông đều đặn làm người nghe có cảm tưởng như từng hột ngọc thạch, hột san hồ tròn xinh kết thành một xâu chuỗi dài.
Và đâu đó, Nhật Trường hát bài "Serenade" của Schubert cũng rất đạt.
Khi hát bản đó, ông bỏ bớt lớp phấn bướm diêm dúa của giọng hát để cho giọng hát cao sang thanh thóat, để cách diễn tả thật Tây Phương và cũng thật chân phương, để cho cái đẹp tự nhiên của giọng hát ông được bộc lộ trọn vẹn.












Monday, December 5, 2011

Bóng Hồng trong bản Nhạc "Ướt mi" và "Thương một người"


Thanh Thúy tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh năm 1943 tại Huế trong một gia đình có 5 người con. Do bà mẹ mắc bệnh nan y nên gia đình Thanh Thúy phải rời đất Thần kinh đưa mẹ vào Sài Gòn chữa trị.

Gia đình họ thuê một căn nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Cao Thắng. Để mưu sinh và để kiếm thêm tiền phụ vào việc thuốc thang cho mẹ, Thanh Thúy đã đến với nghiệp ca hát khi mới 16 tuổi. Thân gái dặm trường nơi đất khách quê người, điều khiến cho Thanh Thúy “dám” tự tin xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu chính là giọng hát của mình vốn từng được nhiều lời khen ngợi.

    Lần đầu tiên tiếng hát Thanh Thúy đến với công chúng Sài Gòn là ở phòng trà Việt Long của  Đức Quỳnh vào cuối năm 1959. Với chất giọng trầm ấm, hơi khàn và lối phát âm, nhả chữ rất riêng, giọng ca của Thanh Thúy mang nỗi buồn man mác, nghẹn ngào nức nở. Dáng dấp mảnh mai và mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy trong tà áo dài màu trắng hoặc lam nhạt... tạo cho nàng ca sĩ xứ Huế này một phong thái thật đặc biệt…
Những bản nhạc Thanh Thúy thường hát là Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong), Tiếng xưa (Dương Thiệu Tước), Kiếp nghèo (Lam Phương), Tàu đêm năm cũ, Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương)…
Tháng 6.1960, thân mẫu của Thanh Thúy qua đời, điều đó càng làm cho giọng hát của chị thêm não nùng để những ai “lỡ nghe” đều có cảm xúc lâng lâng… Và, như đã nói ở bài trước, có cả một thế hệ văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đâm ra…mê mệt với Thanh Thúy, trong đó có một  chàng thư sinh mới tò te bước vào làng nhạc, nhưng sau này rất nổi
tiếng: Trịnh Công Sơn!
                                                    Ca sĩ Thanh Thúy
Trong tác phẩm Về một quãng đời Trịnh Công Sơn (của Nguyễn Thanh Ty), nhạc sĩ tâm sự: “Năm đó tôi 17 tuổi, trọ học ở Sài Gòn, đêm nào tôi cũng lò dò đến các phòng trà để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn bởi tôi mặc cảm nghèo và vô danh, trong khi Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập. Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền để mua một ly nước chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao, mơ ước phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng. Cái khát vọng đó đã giúp tôi viết nên bản nhạc Ướt mi đầu tiên trong đời...”.
Đó là lần ngồi ở nhà hàng Mỹ Cảnh, chàng trai trẻ Trịnh Công Sơn đã viết vào một mảnh giấy nhỏ, đề nghị ca sĩ Thanh Thúy hát bài Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. Điều chàng bất ngờ là Thanh Thúy đã hát bài này với một cảm xúc thật mãnh liệt, khi hát “...vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành, như nhủ trời xanh: Gió ngừng đi, mưa buồn chi, cho cõi lòng lâm ly... Ai nức nở thương đời châu buông mau, dương thế bao la sầu...” - nhớ đến người mẹ bị lao phổi nặng, đang mỏi mòn chờ con trong căn nhà nhỏ ở con hẻm sâu - nàng đã bật khóc. Những giọt nước mắt đọng trên vành mi của người ca sĩ tuổi mới tròn trăng đã gieo vào lòng Trịnh Công Sơn nỗi xúc cảm tràn ngập để chàng viết thành ca khúc Ướt mi.
“Khi hoàn thành, tôi nắn nót chép lại thật kỹ càng và luôn mang theo bên mình chờ có dịp tặng nàng. Với sự nhút nhát của tuổi trẻ, tôi không dám đưa tặng ngay mà phải chờ khá lâu mới có cơ hội. Một hôm tôi đánh bạo, tìm một chỗ sát sân khấu, dự định khi nàng vừa dứt tiếng hát là tôi sẽ đứng lên đưa luôn. Đã mấy lần định làm vẫn không kịp. Nàng vừa cúi đầu chào khán giả là đã có người chực sẵn rước đi ngay. Cái đêm định mệnh mà tôi quyết tâm an bài đã thành công. Khi cầm bản nhạc trong tay, nghe mấy lời lí nhí của tôi, nàng chỉ thoáng nhìn tôi một chút rồi quay vào hậu trường. Đêm đó, tôi nôn nao không ngủ được... Mãi đến hai tuần sau, khi tôi sắp tuyệt vọng vì mỏi mòn chờ đợi thì một đêm kia, khi bước lên bục diễn, dàn nhạc dạo khúc mở đầu thì nàng ra dấu cho dàn nhạc tạm im tiếng để nàng nói vài lời: “Thưa quý vị ! Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác phẩm rất mới của một nhạc sĩ rất lạ tặng cho Thúy. Đó là nhạc phẩm Ướt mi của tác giả Trịnh Công Sơn. Hy vọng đêm nay sẽ có sự hiện diện của tác giả để Thúy được nói vài lời cám ơn”. Nói xong, nàng quay sang ban nhạc, đưa bản nhạc của tôi cho họ dạo nhạc bắt đầu. Nàng cất tiếng hát: “Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi. Người ơi nước mắt hoen mi rồi. Đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca... Buồn ơi trong đêm thâu, ôm ấp giùm ta nhé: người em thương mưa ngâu, hay khóc sầu nhân thế…Trời sao chưa thôi mưa, ôi mắt người em ấy. Từ đây thôi mờ, nước mắt buồn mi em thơ ngây...”. Tôi run lên trong lòng vì sung sướng và xúc động…Khi dứt tiếng hát, nàng dừng lại khá lâu, có ý chờ người tặng nhạc. Tôi thu hết can đảm, bước lên và nói: “Xin cám ơn Thanh Thúy đã hát bài nhạc của tôi”. Nàng “A” lên một tiếng ra vẻ bất ngờ rồi nói tiếp: “Thúy rất cám ơn anh đã tặng cho bản nhạc. Thúy muốn nói chuyện riêng với anh được không ?”. Tôi luống cuống gật đầu…Tôi cùng nàng đón taxi về nhà nàng. Nhà nàng ở sâu trong một ngõ hẻm...
Cũng chính từ ngõ hẻm nhà nàng mà Trịnh Công Sơn làm tiếp bài Thương một người: “Thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi... Thương nụ cười và mái tóc buông lơi. Mùa thu úa trên môi, từng đêm qua ngõ tối, bàn chân âm thầm nói. Lặng nghe gió đêm nay, ngại buốt quá đôi vai. Bờ vai như giấy mới, sợ nghiêng hết tình tôi…”. Đó là hai bản nhạc trong “thuở vào đời” của Trịnh Công Sơn và những kỷ niệm thật đẹp với nữ ca sĩ Thanh Thúy.
Hà Đình Nguyên





Thúy đã đi rồi

Trong gia tài sáng tác khá đồ sộ của nhạc sĩ Y Vân, có một bản nhạc đặc biệt: Thúy đã đi rồi... Bản nhạc này rất thịnh hành vào thập niên 60 thế kỷ trước. Tuy nhiên, đằng sau bản nhạc là một bí mật ít người biết tới.

Nghệ sĩ vốn đa tình, cho nên chuyện trăng hoa, ong bướm âu cũng là nghiệp chướng. Nhưng trường hợp của nhạc sĩ Y Vân lại khác, bởi bà Minh Lâm - vợ ông, từng khẳng định với người viết là ông rất đứng đắn, nghiêm túc trong chuyện tình cảm và không giấu bà điều gì. Ngay cả bút danh Y Vân bà cũng biết, đó là cuộc tình thời trai trẻ của ông và thiếu nữ mang tên Tường Vân. Cuộc tình không thành nhưng để lại dấu ấn trong cái tên ký dưới mỗi bản nhạc do ông sáng tác: Y Vân (nghĩa là “Yêu Vân”). Cả chuyện cô gái chủ quán bi-da mà ông hay đến chơi, thường nhìn ông với ánh mắt “bất thường” để ông có cảm xúc viết thành ca khúc Khi em nhìn anh ông cũng kể hết với bà. Vậy, sao lại có bản Thúy đã đi rồi, gọi đích danh tên một người con gái với những ca từ mang tâm trạng của một kẻ đắm đuối trong bể tình:

“Thúy đã đi rồi.
Những ngày băng giá không tiếng cười.
Thúy đã đi rồi.
Biết làm sao cho nhớ thương nguôi.
Ðời em về đâu?
Cho gió trăng sầu.
Tìm em ở đâu?
Ðường mây tìm dấu…
Thúy quá vô tình.
Ví dù em có hay dỗi hờn.
Cũng vẫn hơn là bến tình anh lê gót cô đơn...”.

Do nhạc sĩ Y Vân đã mất (năm 1992), nên tôi đem điều này hỏi người em ruột của ông là nhạc sĩ Y Vũ. Ông tiết lộ: “Tôi nói rõ sự thật nhé, anh Y Vân đã viết ca khúc này thay cho tâm sự của một người bạn rất thân, đó là tài tử điện ảnh kiêm kịch sĩ Nguyễn Long (còn gọi là Long Ðất). Vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước, Nguyễn Long yêu say đắm ca sĩ Thanh Thúy nhưng cô ca sĩ tài danh này không chút mảy may động lòng. Nguyễn Long âm thầm sống trong đau khổ, cay đắng một mình. Rồi một hôm, nhạc sĩ Y Vân bắt gặp anh chàng thất tình này trong quán cà phê với bộ dạng “ngó phát chán”, Y Vân hỏi han và Long Ðất đã thổ lộ mối tình sâu kín.
Thương cảm mối tình đơn phương của người bạn thân, Y Vân đã viết Thúy đã đi rồi. Bài này trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng của dòng nhạc blue thời bấy giờ. Bài hát được khá nhiều ca sĩ trình bày, trong đó có cả ca sĩ Thanh Thúy. Hát thì cứ hát, nhưng con tim của nàng chẳng chút lay động, cho dù hằng đêm anh chàng Nguyễn Long vẫn bám theo nàng “trên từng cây số”, qua những phòng trà mà cô đến biểu diễn. Người đẹp vẫn đó, vẫn đùa vui trước đôi mắt ngây dại của gã si tình mà chẳng hề quan tâm”.
Ðến đây, người viết xin được mở ngoặc để nói về tài sắc của nữ ca sĩ Thanh Thúy. Chị sinh năm 1943 tại Huế. Ði hát từ năm 16 tuổi (1959) và sở hữu một giọng hát hết sức đặc biệt: khàn đặc như có pha rượu, nghẹn ngào, nức nở với dáng dấp mảnh mai, mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy… Giọng hát ấy, dáng dấp ấy như có ma lực khiến ai “lỡ nghe” rồi là say như điếu đổ... Chẳng thế mà hầu hết văn nghệ sĩ cùng thời đã “nghiện” tiếng hát mà họ ví von với rất nhiều hình ảnh: lơ lửng với khói sương, nhấp nhô cùng sóng nước, đam mê theo cung bậc, thì thầm với kẻ tình si, du dương trong tĩnh lặng, vỗ về với yêu thương.
Năm 1962, Thanh Thúy được bầu chọn là Hoa hậu Nghệ sĩ, đồng thời là “Nữ ca sĩ ăn khách nhất” suốt 3 năm liền.
Tháng 11.1961, Nguyễn Long thực hiện cuốn phim Thúy đã đi rồi, theo ca khúc của nhạc sĩ Y Vân và nhạc phim do ca sĩ Hùng Cường hát. Nữ ca sĩ Minh Hiếu đóng vai Thanh Thúy. Ngoài bộ phim này, hình ảnh Thanh Thúy còn xuất hiện trên kịch sân khấu, kịch truyền hình. Các nghệ sĩ Kim Cương, Bích Thủy, Xuân Dung... đều đã đóng vai Thanh Thúy. Thanh Thúy thật sự là một con người tài sắc nổi trội khiến cánh đàn ông hồi đó có đủ “lý do chính đáng” để mê mệt cô như một thần tượng.
Trở lại với chàng tình si Nguyễn Long - dù đã nặng tình đeo đuổi, thậm chí đã làm phim về nàng nhưng không sao lọt vào mắt xanh của nàng. Mang tâm trạng u uất, Nguyễn Long đã trải lòng qua bài thơ tự sáng tác Thôi. Bài thơ này cũng được Y Vân phổ thành tình khúc mà cho đến nay vẫn còn ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ: “Thôi, em đừng khóc nữa làm gì! Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa. Thôi em đừng khóc, em đừng khóc, đừng khóc nữa giọt lệ sầu làm sao xóa hết tâm tư... Ôi cuộc đời đầy phong ba giữa lòng người. Lệ sầu chia ly buồn tê tái. Ly rượu này đầy thương đau tấm hình hài. Thu man mác buồn, mùa thu ơi!...”.
Nguyễn Long khi ấy mới khoảng 30 tuổi, nghe nói phải hơn mười năm sau ông mới lập gia đình, còn ca sĩ Thanh Thúy đã lấy chồng trước đó (năm 1964).
Hà Ðình Nguyên
Thanh Thúy cũng là “người yêu trong mộng” của rất nhiều người. Trịnh Công Sơn viết bản nhạc đầu tay Ướt mi dành tặng Thanh Thúy.
Tôn Thất Lập viết Tiếng hát về khuya vì Thanh Thúy.
Thi sĩ Hoàng Trúc Ly “tán”:
“Từ em tiếng hát lên trời/
Tay xao dòng tóc,
tay vời âm thanh/
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh/
Lắng nghe da thịt tan thành hư vô”.

Họa sĩ Vũ Hối buông cọ để làm thơ:
“Liêu trai tiếng hát khói sương/
Nghẹn ngào nhung nhớ dòng Hương quê mình/
Nghiên sầu từng nét lung linh/
Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương”...

Nhà văn Mai Thảo gọi cô là “Tiếng hát lúc 0 giờ”,
giáo sư triết học Nguyễn Văn Trung thì cho là “Tiếng hát liêu trai”, nhạc sĩ Tuấn Huy gọi là “Tiếng sầu ru khuya”...

Sunday, December 4, 2011

Khánh Ly Tiếng Hát Đẹp Man Rợ




Thú thật ở chương 15 của quyển " Chân Dung Những Tiếng Hát " này , tôi muốn dành chung cho Lệ Thu và Khánh Ly. Nhưng nghĩ lại , tôi thấy không ổn.

Dù nhờ cả hai mà các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn nổi tiếng , Nhưng giọng hát của mỗi người có một bản sắc riêng , cương vị của mỗi người trong ca trường nhạc giới co' một chỗ lộng lẫy huy hoàng riêng. Cho nên tôi phải viết về mỗi người một chương riêng để khỏi bị bà nầy phàn nàn và bị bà kia nhăn nhó.

Tiếng hát Khánh Ly là một giọng hiếm quý. Dù chưa đạt được kỹ thuật thâm hậu , nhưng đây là một giọng cao sang thanh thoát , không đục ngầu những cặn bã , những cái huê dạng kỳ quái và bịnh hoạn.

Tôi không hiểu vì sao nó hợp với các ca khúc của Trịnh Công Sơn một cách kỳ diệu , như trăng phải có nước để lồng bóng , như tuyết phải có mai để đọ màu. Bài hát " Diễm xưa " trước đó đã có Thái Thanh thâu vào dĩa mà chẳng ai buồn chú ý đến. Phải đợi đến Khánh Ly diển tả thì bài hát mới khởi sắc bừng hượng Hình như đa số ca khúc họ Trịnh đều được Khánh Ly hát đạt tình đạt ý , trừ ra bài " Xin Mặt Trời Ngủ Yên " và bài " Hãy Khóc Đi Em ".

Ở bài đầu Khánh Ly làm sao gào xé ruột bằng Lệ Thu vì giọng Lệ Thu cao hơn và chắc nịch hơn giọng cô. Ở bài sau cô cũng không thể gào và chuyền hơi bẵng Carol Kim. Cả hai Lệ Thu và Carol Kim không ngân nga vững và đẹp như Khánh Ly , nhưng về phần diển tả và phần cao độ của giọng hát , họ trội hơn Khánh Ly, đạt tình đạt ý trong hai nhạc phẩm đó hơn cô.

Tiếng hát của Khánh Ly khàn khàn như phảng phất khói thuốc lá , như vương vấn sa mù trộn bóng tối. Tuy nhiên ở chót đuôi nó loé ra âm vang dòn sang sảng cực kỳ gợi cảm.

Cô ngân nga thoải mái dù chuỗi ngân không được dài lắm. Cô xuống trầm cũng dể dàng , nhưng ở những chổ trầm , tiếng cô không căng phồng không dầy cộm , không rền vang như tiếng Thanh Thúy.

Tóm lại về kỹ thuật , Khánh Ly hát khá trội, không có lỗi lầm tỳ vết , nhưng không có cái chân truyền thâm hậu. Nhung về tình ý , dù không điệu đà , Khánh Ly hát vẫn đẹp gợi cảm. Đó là thứ đẹp gợi cảm từ bản chất , không cần nắn nót chạm trổ gì cả.

Ngoài ra 12 ca khúc của Lê Uyên Phương mà cô hát trong băng nhạc với chủ đề " Vũng Lầy Của Chúng Ta " trong đó có những bài tiêu biểu như " Hãy Ngồi Xuống Đây " , " Vũng Lầy Của Chúng Ta ", " Tình Khúc Cho Em " , " Uống Nước Bên Bờ Suối " đều rất truyền cảm , có thể tahy thế nữ ca sĩ Lê Uyên đã từng hát trước đây , khi chưa ra hải ngoại.

Nhạc đã đẹp trong tình ý nóng bỏng nhục cảm , lời hát đã đẹp hoang dã, cả hai rất hợp với giọng hát rất đẹp man dại của Khánh Ly. Thật ra , tiếng hát của Khánh Ly và tiếng hát của Lê Uyên giống nhau một mười một tám. Băng nhạc này do Khánh Ly tặng cho tôi vào năm 1991 , và tôi trân quý như một siêu phẩm của chàng nhạc sĩ Lê Uyên Phương và cũng như một kiệt phẩm của Khánh Ly.

Tiếng hát Khánh Ly đưa chúng ta đến những cảnh thiên nhiên man rợ , nơi đó có những dãy rừng trinh bạch mà chân các nhà thám hiểm chưa hề đặt chân tới. Nơi đó có những di tích của những kỳ quan nguy nga tráng lệ từ hằng nghìn năm xưa bị chôn vùi , có những bóng ma nghìn năm chưa siêu sinh và còn lảng vảng trong đêm tà mờ sương.

Tiếng hát đó cũng đua ta về thuở hồng hoang thái cổ , về thòi khuyết sử để chúng ta cảm nhận được cái đẹp man rợ của khắp cõi địa cầu với những thứ cây trổ kỳ hoa dị quả , với những quái cầm dị điểu không còn sống trên cõi đời nầy nữa sau khi trái đất trải qua những kỷ nguyên thay đổi từng chặng không ngừng. Tiếng hát đó gợi nên cái đẹp phá thể , cái đẹp hoang vu , cái đẹp thoát ra khuôn vàng thước ngọc của trường phái cổ điển.

Ra hải ngoại , Khánh Ly đi lưu diễn cùng khắp Âu, Mỹ, Úc. Cô vô băng nhạc xối xả, sau đó là a nhạc và băng hình. Cô có lập hãng băng nhạc dành ưu tiên cho giọng hát cô (hãng băng nhạc Khánh Ly ). Có lần tôi được xem cô hát trong băng hình Asia video 10 với chủ đề " Gởi Người Một Miềm Vui ".

Cô hát bài " Biển Nhớ " của Trịnh Công Sơn. Cô mặc chiếc dài màu chàm đậm tức là màu xanh mà Phạm Duy viết lời ca cho bản " Le Beau Danube Bleu ": "Ôi mắt em xanh như đêm dài ". Trên nền xanh phía trước có in hình hoa lan trắng to hơn miệng bát , cổ và cánh tay mặt cùng lưng áo phía sau cũng bằng thứ lụa nền xanh ,, nhưng nổi những chấm confettis trắng.

Chiếc áo chỉ có màu tối in hoa và chấm trắng nhưng lại nổi bật lên sự kết hợp tươi sáng và xôn xao. Cô giồi phấn hồng đào , tô son màu hạt lựu khá thắm rỡ. tóc cô bỏ xõa , không có dáng rũ rượi như là tóc mềm chải khéo, đóng khung cho khuôn mặt làm ra vẻ thiểu não rất cần thiết khi cô hát bản nhạc buồn.

Giọng hát cô vẫn trơn như loại hương du ( dầu dừa , dầu mù u ) rót từ chai vào thếp đèn , vẫn ngọt ngào say sưa như mật ong. Chuỗi ngân cô rất dài và rất lưu loát.
Tiếng hát cô không cần chăm sóc . Cô hút thuốc liên miên , cô ăn đủ loại mắm thả cửa , vậy mà nó vẫn chưa hư hao mòn khuyết , vẫn nguyên vẹn như vần tố nguyệt đêm rằm . Xin mừng cho cô .









Wednesday, November 30, 2011

Thái Thanh Tiếng Hát Dâng Hiến Tâm Tình




Sau khi gặp lại Thái Thanh lần đầu vào năm 1992 tại rạp Maubert Mutualité ở Paris, tác giả có những nhận xét như sau:
Thái Thanh suốt 15 năm hành nghề ca hát theo kiểu gạo chợ nuớc sông ở quê nhà, dưới chánh thể Cộng Sản. Cô mang tiếng hát ra hải ngọai bằng sự tự tin thấy rõ, dù làn hơi tiếng hát đã hao hụt chút ít, chuỗi ngân không còn nhỏ mức và đều đặn, nhưng âm sắc vẫn còn lảnh lót, vẫn còn loé những ngân vang sáng rỡ.

Lúc hát cô vẫn hăng hái quăng mình trọn vẹn vào phút giây đùa bỡn với tiết điệu và âm thanh. Dù chuỗi ngân có thô rít, nhưng cô vẫn không nao núng, vẫn kéo dài làn hơi để cho làn hơi gợn sóng.

Khi hát tới chổ khá cao hay khi xuống chổ khá thấp lọt ra khỏi âm vực của tiếng hát mình, cô vẫn cứ đưa tiếng hát của mình lướt tới, vẫn quả cảm chuyển giọng, tới đâu thì tới, không sợ tiếng hát gãy vụn hoặc vỡ bể hay sa lầy. Nhìn và lắng nghe cô hát, tôi ngậm ngùi trước sự thành khẩn thiết tha của cô trong lúc cô dâng hiến tiếng hát của mình cho khán giả và nhất là cho lý tưởng của mình mà không cần nhìn lại tuổi đời đang đè nặng trên lưng trên vai mình, không quan tâm cái sinh lực trong tiếng hát của mình đã bị thời gian làm vơi cạn đi ít nhiều.

Tuy nhiên, hôm đó giọng hát của cô chỉ hơi rạn nứt chút ít ở một vài chỗ, phải tinh lắm mới nhận ra. Nhưng mà, đó vẫn còn là một giọng hát đẹp gợi nên vết da rạn quý giá trên nền men bóng của chiếc độc bình.
Hôm đó, cô hát bài "Dòng Sông Xanh" của Johan Strauss, vẫn hứng khởi ngân bằng nguyên âm và vẫn nhún nhảy theo nhịp điệu Valse xôn xao.

Sau đó, Thái Thanh xuất hiện tại Washington D.C và tôi đã nghe vài lời bình phẫm ở lối trình diễn điệu đà và sự diễn tả quá mức của cô.
Tại nơi đây, khi bước ra sân khấu, cô mặc áo chóang lộn như y quan của gánh Hồ Quàng, lại khóac áo chòang như người dơi; lúc hát cô lắc lư hơi nhiều, rồi nhảy loi choi, vung vãi quá nhiều nhiệt tình, nhiều điệu bay bướm thừa thãi. Song dù gì đi nữa, cô vẫn ghi vào ấn tượng mọi người một nghệ sĩ hát bằng tâm tình dâng hiến, bằng trái tim mẫn cảm, bằng cái đẹp muôn màu muôn vẻ của tâm hồn.

Thái Thanh hát hay, điều đó dĩ nhiên rồi, ai mà dám cãi được. Nhưng Thái Thanh còn hát giỏi nữa , bởi vì cô có kỹ thuật hát khá tinh vi.
Nhưng tiếc thay, khi hát ở những chổ hơi cao, cô thường nhốt sâu tiếng hát trong cuống họng nên tiếng hát thanh thì có thanh, nhưng chua ơi là chua.
Từ Thái Thanh lúc đó cô trở thành Thái Chanh một cách ngon ơ. Đây là nhược điểm của cô. Bởi tự luyện tập giọng hát theo lối chầu văn, hát chèo với cách ngoai mồm bẻ miệng nên cô không nắm bắt cách luyện tập theo phương pháp chân truyền của ca sĩ Tây Phương.
Từ lúc đầu, cô không tập rống khi lên cao để tiếng hát được dàn rộng, không mất âm lượng và có thể giữ được âm sắc ngọt ngào. Trong băng nhạc " Thái Thanh : Tiếng Hát Vượt Thời Gian", cô có hát bài Sérénade của Schubert, từ đầu tới cuối, cô xài tòan giọng óc, chua tới rùng rợn luôn.

Nhưng khi hát ở những chổ không quá cao hoặc không quá thấp, tiếng hát cô đẹp tuyệt hẳn lên, như khối ngọc giữ màu trong vẻ sáng, không tỳ vết, không lỗi lầm. Ở những nốt nhạc hơi trầm, tiếng cô đầy và ấm hẵn lên, thập phần quyến rũ.

Qua tiếng hát Thái Thanh, người nghe có cảm tưởng đến ngắm một lạch nước trong chảy thao thao vào một vùng thôn dã thuộc miền trung du của quê Bắc vào thuở tiền chiến.
Nơi đó, có những hình ảnh tiêu biểu như lũy tre xanh rậm bọc quanh làng làm cho khung cảnh ấm cúng và thân mật. Có mảnh ao làng lênh láng nước trong veo, ngày ngày có những cô gái quê đến gánh nước hoặc rửa rau và vo gạo.
Có ngôi đình làng dành cho các cuộc tế lễ thành hòang.
Có ngôi chùa, am mây, miếu mạo...dành cho những khách hành hương. Lại còn thêm bóng đa, bóng chuối, bóng na, những cây cau, những nương khoai..làm cho khung cảnh thêm xanh mát, thêm bóng râm êm ả trong nắng trưa.

Thái Thanh hát những ca khúc âm hưởng dân ca miền Bắc như "Tình Ca", "Tình Nghèo", "Tình Tự Tin", Nụ Tầm Xuân", "Tình Hòai Hương" và "Chú Cuội" của Phạm Duy, "Kiếp Cuội Già" và "Khúc Giao Duyên" của Phạm Đình Chương, "Tình Quê Hương" của Đan Thọ, "Các Anh Đi", "Nhớ Bến Đà Giang" của Văn Phụng đều truyền cảm, đều gợi cái trong trẻo êm đềm của lạch nước mùa xuân, cái tịch mạc thật thơ mộng của cảnh thôn dã nơi quê Bắc.

Vì hát theo lối nhấn từng chữ như lối chầu văn nên cô hát những bài nhạc ngọai quốc như "Célèbre Valse" của Brahms, "Sérénade" của Schubert, "Rêveries" của Robert Schumann đã được đổi thành lời Việt thì lại không sành điệu bằng Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà, Tuyết Hằng, Mai Hương và Quỳnh Giao.

Riêng tôi, tôi chưa thấy ca sĩ nào diễn tả trọn vẹn ý tình qua các ca khúc của Phạm Đình Chương và nhất là của Phạm Duy bằng Thái Thanh.
Ở bài "Tình Ca", khi hát tới câu hát "Tôi yêu tiếng xa mờ", giọng cô sắc vút lên như xuyên vào mối cảm hòai người nghe bằng một luồng gió mạnh, reo xao xuyến trong nội giới chúng ta rất lâu.

nấc làm người nghe bàng hòang dao động cả tâm hồn; chưa có ca sĩ nào diễn tả tuyệt vời cảm xúc như cô ở tiếng đó. Hình như trời sinh Phạm Duy ra để sọan ca khúc cho Thái Thanh hát.

Trong phút hiển linh của thần trí sáng tạo, ông viết những dòng nhạc truyền cảm tột độ mà chỉ có Thái Thanh diễn tả mới đi đến chổ cùng tận của ý tình. Cho nên khi hát bài "Bà Mẹ Gio Linh", Thái Thanh cất tiếng "Hò ơi ới ơi hò", tiếng hò cô ở chổ đó như banh gan xé ruột người nghe, như khơi dậy một vết thương rướm máu của họ.
Tiếng hò sao mà thảm thiết một cách thần tình, làm sao có ai hò vượt qua cô dẫu đương sự có ăn một trăm, một ngàn cót thóc đi nữa.
Ngoài ra, bản "Tình Không Biên Giới" của Văn Lương, "Mấy Dặm Sơn Khê" của Nguyễn Văn Đông, "Sao Đêm" của Lê Trọng Nguyễn, "Tiếng Thời Gian" và "Trở Về Dĩ Vãng" của Lâm Tuyền đều được cô trình bày bằng một tình cãm vừa phải, nhưng rất truyền cảm, rất nghệ thuật.

Nghe Thái Thanh hát các ca khúc âm hưởng dân ca miền Bắc, chúng ta có cảm tưởng được ngắm những bức tranh mộc bản hoặc những bức tranh dân gian bày bán ở chợ quê trong dịp Tết.

Những bức tranh dân gian ấy tô màu loè loẹt và suồng sã, nhưng hàm nhuận ý tình thật mộc mạc, thật thân thương: đỏ như ruột dưa hấu, xanh như mực học trò, vàng như nghệ, lục biếc như đọt chuối hay như lá mạ, tím như nước cốt trái mồng tơi...
Qua tiếng hát Thái Thanh, chúng ta có thể mường tượng đến tiếng sáo diều vi vút vào buổi chiều quê, khi mà ánh tà dương không còn trải trên mặt ao đầm, và sương mỏng bắt đầu theo bóng chiều lan khắp đó đây. Lúc đó, tàn cây, khóm chuối biến dần thành những khối bóng đậm đen như tô bằng mực tàu trong thứ ánh sáng lu lít mù mờ vào lúc chạng vạng. Tiếng sáo mỏng và thanh cứ vi vút từ đầu bửa cơm chiều dưới ánh đèn dầu cho tới khi trăng lên rọi lóng lánh mặt ao đầm mà vẫn chưa tắt.

Thái Thanh có giọng hát thiên phú quý báu như thế, nhưng theo tin đồn thì cô chẳng thận trọng giữ gìn. Cô không kiêng khem trong việc ăn uống. Hễ gặp trái chua là cô ăn mê tơi, ăn ngấu nghiến. Gặp trái chát nhu sung sung để ăn cặp với bún riêu, như mít đẹt nổi mụn cám vàng cô liền cất giấu ngay trong bụng là chỗ không trời không đất... cho gọn ! (NGHE TẢ KHÚC NÀY SAO GIỐNG ĐÔNG CUNG QUÁ CHỜI VẦY NÈ )

Hồi ở bên quê nhà, Kiều Chinh và Thái Thanh là hai nữ nghệ sĩ trình diễn thích giao du với các nghệ sĩ bên sáng tác nổi tiếng trí thức.
Qua ông anh nhạc sĩ Phạm Đình Chương của mình, Thái Thanh ưa giao du với nhóm Cái Bang trong đó có kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, nhà văn Mai Thảo, kỷ giả Lô- Răng Phan Lạc Phúc, nhà văn Thanh Nam, nhà văn Thanh Tâm Tuyền...

Lại thêm có ca sĩ Anh Ngọc, anh bạn đồng nghiệp của cô. Giờ đây Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Phạm Đình Chương và Thanh Nam đã từ trần. Thanh Tâm Tuyền định cư trên vùng vạn hồ thuộc tiểu bang Minnesota. Còn Phan Lạc Phúc ở tận bên Úc. Trong chuổi ngày tàn bóng xế, cô cùng nghệ sĩ dương cầm Nghiêm Phú Phi mở lớp luyện ca.

Từ năm 1995, làn hơi trong tiếng hát Thái Thanh giảm sút quá nhiều. Cô không còn ngân nga được nữa. Nhưng từ cái gốc của cô, có hai chồi măng mới mọc ra, trong thời gian chẳng bao lâu mà trở thành hai cây trúc tương phi yểu điệu xinh tươi.
Mỗi khi lớp lớp sóng nhạc hiện thành cơn gió lướt qua, trúc reo lao xao những tiếng hát làm rung cảm khách mộ điệu khắp bốn phương trời hải ngoại. Đó là nữ ca sĩ Ý Lan và nữ ca sĩ Quỳnh Hương, hai ái nữ của Thái Thanh và minh tinh điện ảnh Lê Quỳnh.





Sơn Ca Tiếng Hát Của Tháng Giêng Cỏ Non



Vào năm 1973, một tờ báo nào đó có cho biết ông bầu Hoàng Thi Thơ của vũ trường Maxim's vừa lăng xê một ngôi sao ca nhạc mới để tranh tài với hai nữ ca sĩ Thảo Ly và Phương Hồng Hạnh. Và trong bài viết, có cho biết Sơn Ca có giọng hát điêu luyện vì cô đã từng thọ giáo nữ ca sĩ Kim Tước.

Thảo Ly xuất thân từ lò tạp lục Tùng Lâm. Phương Hồng Hạnh xuất thân từ lò Nguyễn Đức vốn chỉ là hai tiếng hát học trò. Vậy mà một khi được Hoàng Thi Thơ và cùng ê kíp của ông chăm sóc, tiếng hát họ trưởng thành và tiến bộ mau chóng. Họ ngân nga rựa ràng, họ dàn trải làn hơi khá thành thạo.

Hoàng Thi Thơ kéo ca sĩ Buì Thiện về Maxim's, tìm cho anh một bạn đồng diễn để cả hai nương theo sóng nhạc "Rước Tình Về Với Quê Hương".
Tiết mục song ca này ăn khách kinh khủng, chẳng những bài hát được phổ thông trong quần chúng nhanh chóng không thể tưởng tượng, mà lại còn thắp sáng thêm hào quang cho danh vọng Bùi Thiện và đưa Sơn Ca lên tuyệt đỉnh vinh quang trong ca trường nhạc giới.
Sơn Ca trong một sớm một chiều làm rung rinh ngôi vị của những giọng hát ăn khách như Phương Dung, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Hương Lan, Phương Hồng Quế
Tiếng hát của Sơn Ca trong và ngọt nhưng không quá ngọt như tiếng Minh Diệu để khỏi mất đi cái âm sắc gợi cảm. Tuy là giọng mái, nhưng nó không quá mỏng như sương, khi cất lên cao rất thoải mái, khi hát ở chổ ngang ngang thì véo von lăng líu như tiếng chim sơn ca trên cánh đồng mùa xuân miền Bắc.

Khán thính giả khi nghe cô hát thường bị chi phối bởi cái lảnh lót của tiếng hát cô và họ không kịp nhận định rằng bài hát do cô trình bày như "Cô Thắm Về Làng" chẳng hạn, không đủ phẩm chất bởi nó nghèo nàn giai điệu và không được tinh tế về phương diện cấu trúc.

Trong một băng nhạc nào đó, Sơn Ca cao hứng hát bài "Dòng Sông Xanh" của Johann Strauss. Chắc cô nghĩ là tiếng hát của mình cao vút có thể bay lên tới tầng trời Đại La.
Đây là một cuộc phiêu lưu của cô. Giọng cô đâu phải dành để hát nhạc bán cổ điển Tây phương. Cô không biết ngân nga từ đầu cuộc. Ra hải ngoại, dù có tập thử cách ngân nga, như ở đoạn ngân bằng nguyên âm trong bài hát, cô như phụng hoàng gảy cánh, như cá mắc cạn, như trâu bị sa lầy.

CHẾ LINH : Tiếng Hát khua động lòng cổ tháp trên đất Hời.


Chế Linh có dáng dấp thanh cảnh và cân đối. Khuôn mặt ông chỉ bảnh trai chớ không thể gọi là đẹp trai được. Nhưng trông ông nồng mặn, có cái duyên dáng nhuận nhị thâm trầm. Da ông tuy đen nhưng ánh mắt nụ cười rạng rỡ. Cặp mắt ông như loé tia nắng reo vui, cái nhìn ông lẳn, liếc đong đưa cô bán dưa tê bại, liếc qua lại cô bán cải ngất ngây.
Nụ cười ông tếu và tươi sao mà tươi hơn hớn. Đứng giữa một đám người, ông nổi bật lên nhờ mái tóc, nhờ vẻ nồng mặn và đậm đà thập phần quyến rũ ở màu da và nhờ cái vẻ ranh mãnh linh họat kia.

Nếu màu da sậm kia đuợc hồng huyết cầu thắp ánh phản chiếu của tấm lụa đào dưới nắng thì nó sẽ có màu đồng đỏ, tức là màu da lý tưởng của người Âu người Mỹ. Nhưng Chế Linh thì khó thể tìm được ánh hồng cho nước da ngăm đen của mình bởi vì anh là nghệ sĩ lấy đêm làm ngày.Lại nữa, các người đẹp ái mộ ông cứ đeo dính ông, tát vơi sinh lực của ông, cho nên da ông tái mét kinh niên, hồng huyết cầu không đủ dân số để thắp ánh ráng chiều rực rỡ lên màu ngăm đen đó.

Giọng hát của Chế Linh sở dĩ mê hoặc được thính giả là vì ông có thần trí sáng tạo mãnh liệt. Ông biết tìm cái độc đáo cho giọng hát mình. Tự bản chất, tiếng hát đó khoẻ khoắn trơn tru. Nó êm ái như mật ngọt rót vào ly, như bóng con thiên nga luớt qua mặt ao đầm.

Nhưng ông có tham vọng, ông không chấp nhận những gì Trời ban cho ông trong tiếng hát. Ông phải khuấy động nó bằng cách kéo tỉ tê ở chổ này, rên thống thiết ở chổ kia, quẫy lộn bằng cách uốn giọng ở chổ khác. Khi lên cao, ông không giát mỏng giọng hát mà ông gào rống quằn quại như bị một vết thương đau nhức hành hạ ông dở sống dở chết. Và ông biết tét giọng cho mỏng ở chổ ngang ngang, đã vậy ông còn hát lơ lớ để giọng hát đượm một chút rã rời cực kỳ duyên dáng.

Khi lên cao giọng hát Chế Linh như muốn khua động vào lòng cổ tháp trên đất Hời trong đó có tỉnh Phan Rang. Nơi đó có muôn vạn hồn ma dân tộc Chiêm Thành còn u uất trong cảnh quốc phá gia vong mà muôn đời họ không thể báo phục, không thể giành lại đất tổ tiên xưa. Giọng hát khi tét ở chổ ngang ngang có một chút gì nũng nịu để làm bao con tim phụ nữ phải mềm lòng như trái dưa gang chín và phải lỏng dạ như sáp ong bị hơ lửa nóng.

Chế Linh có làn hơi dài và mướt. Vậy mà ông không chịu tập ngân nga. Khi hát tới cuối câu, ông kéo dài làn hơi theo trường độ nốt nhạc, nếu làn hơi có gợn sóng có đổ hột thì tốt, còn nếu nó phẳng lì xuôi theo một vạch ngang thì ông chẳng nao núng.
Thật ra, ông chẳng quan tâm đến vấn đề ngân nga vì ông quan niệm rằng đó là vấn đề then chốt với các ca sĩ khác, nhưng đối với ông chỉ là chuyện phụ thuộc, chuyện nhỏ nhoi không đáng kể. Quần chúng thích ông đâu phải ở nghệ thuật ngân nga mà ở những điểm độc đáo do ông sáng chế ra.

Khách sành điệu khó tánh cho rằng Chế Linh ưa chơi trò vọc nước giỡn trăng khi ông cất tiếng hát, làm cho tiếng hát phá thể một cách táo tợn. Nhưng đa số quần chúng thì lại nghĩ khác: nếu vứt bỏ những cái fantaisies thuần chất sáng tạo kia thì giọng ông trụi lũi như con kim ngư bị cắt hết đuôi và vi kỳ tha thướt đi, như con chim công bị tướt hết lông đuôi lộng lẫy điểm mặt nguyệt để nó hết xoè cánh quạt. Chính những cái tỉ tê sướt mướt, gào rống, tét giọng đó làm nên giọng hát đẹp theo kiểu quái chiêu của Chế Linh, đưa ông lên lâu đài vinh quang cao chót vót.

Không hiểu tại sao con người nhanh nhẹn và sinh động như Chế Linh mỗi khi cất tiếng hát thì giọng ông não nuột gấp đôi gấp ba ý tình của bản nhạc. Bài hát "Những Bước Chân Âm Thầm" của Y Vân đã có sẵn âm điệu buồn cô đơn rồi. Nhưng khi nó được Chế Linh diễn tả, nổi buồn cô đơn đó đậm hẵn lên, rã rời như những bước thất thểu của oan hồn uổng tử. Phải chăng trong đáy thẳm của tiềm thức ông, nổi hờn vong quốc vẫn chưa nguôi?

Chế Linh sáng tác nhạc lấy tên Tú Nhi trước hết để cho chính ông hát. Các nhạc phẫm đó có nhiều chổ để cho ông tét giọng, để ông tỉ tê, để ông kéo dài nhừa nhựa như kéo dài nổi cô đơn và nổi tuyệt vọng khủng khiếp của dân tộc mình. Vậy mà nhạc của ông lại phổ biến trong quần chúng.

Biết bao người hát chúng theo anh. Song đó là mồi lửa đốt cánh đồng rạ khô, cả cánh đồng cháy rực trong một thời gian ngắn, nhưng tấm lòng khán thính giả đối với ông vẫn là nền đất khô dưới chân rạ để cho tiếng hát ông cắm vào đó những bó mạ mới, để trổ bông lúa mới.



Duy Quang Tiếng Ca Man Mác Gió Sơ Thu

Nhạc phẫm "Thà Như Giọt Mưa" của Phạm Duy (phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên) đưa tên tuổi Duy Quang vào khối đông quần chúng lẫn vào giới sành điệu chọn lọc.

Nhưng bản ấy cũng nhờ Duy Quang mà được quản bá nhanh chóng.
Ở bước đầu vào làng băng nhạc, Duy Quang làm cho những ca khúc của Phạm Duy nổi bật như: "Bình Ca", "Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ", "Em Hiền Như Ma Soeur".
Ngoài ra, anh hát bài "Còn Chút Gì Để Nhớ" (phổ thơ của Vũ Hữu Định) thì chắc chẳng ai có thể qua mặt anh.

Giọng hát của Duy Quang là giọng hát đẹp, chứ không phải là giọng hát điêu luyện. Những bài hát mà ông bố Phạm Duy soạn cho anh hát đều là những bài sang trọng nhưng dễ hát, rất vừa với âm vực của giọng hát anh.

Về sau, khi ra hải ngoại, Duy Quang hát nhiều bài tạp nhạp không có chút giá trị nghệ thuật nào.

Dù gì là dù, giọng hát Duy Quang lọt ra khỏi quỷ đạo của những giọng đi sâu vào đám đông chuyên hát những bản bolero ca tụng lính tráng.

Đó là giọng một hoàng tử đa tình hát gửi cho một mỹ nữ, một giai nhân thuộc dòng quý tộc lâu đời ở chốn gác tía lầu son. Một giọng hát buồn man mác như trời đất vào tiết sơ thu bên phương trời Âu.

Lúc đó ngọn kim phong từ phương Tây thổi tới để làm rụng vài ba lá ngô đồng, để làm vàng vọt ngọn cỏ bồ và nhánh lệ liễu. Tiết sơ thu chỉ lành lạnh vào buổi chiều, cái lạnh cũng chỉ gây gây da thịt mà thôi.

Nhưng cái buồn vào thu tuy man mác mà vô cùng thấm thía đối với những kẻ xa quê hương, nhớ giấc mộng ngày xanh còn thấp thoáng trên từng trang hồi ký hay trên từng trang nhật ký.

Ngọn kim phong se lạnh reo lao xao trong vòm lá ngô đồng mờ tối, trên ngọn bạch dương cắt nép cổ tháp trên nền trời mờ ảo ánh trăng.

Chính lúc đó, bạn mở máy cho chạy có thâu tiếng hát Duy Quang. Bạn sẽ thấy giọng anh buồn nhè nhẹ, buồn êm ái như một câu ru nào đó trong đáy thẳm của thời gian.

Bạn sẽ thấy tiếng hát ấy làm sống lại lời âu yếm của người đẹp năm xưa đã từng thỏ thẻ bên gối bạn, lời âu yếm ấy sao mà buồn dịu dàng và bát ngát như một mối cảm hoài về bóng hạnh phúc đã mất.



Phương Dung Tiếng Hát Gọi Nhạn Trong Sương



Vào những năm 1963, 1964, ca khúc "Những Đồi Hoa Sim" của Dzũng Chinh được nổi tiếng như cồn là nhờ giọng hát của Phương Dung, cựu nữ sinh trường Nguyễn Bá Tòng, sinh quán ở Gò Công. Nhưng nói cho cùng, củng nhờ bản này mà trong một sớm một chiều, Phương Dung trở thành một ngôi sao ca nhạc sáng lộng lẫy như ngôi sao của Lệ Thanh, Thanh Thuý, Minh Hiếu và Duy Khánh trước đó vài năm.

Phương Dung còn có bài "Nổi Buồn Gác Trọ" để mê hoặc khán thính giả nữa. Ngoài ra, những bản khác đã hiện trước khi cô trở thành ca sĩ khá lâu như "Tình Bắc Duyên Nam" của Xuân Tiên, "Tống Biệt" của Võ Đức Thu cũng được cô dùng để ru hồn khán thính giả trên sân khấu Đại Nhạc Hội.

Tiếng hát của Phương Dung vang lộng, lảnh lót và dẻo mê dẻo mệt. Cách diễn tả của cô không có màu mè riêu cua. Tiếng hát sung mãn và tươi xanh như cỏ tranh, như những loại cây mọc mé sông rạch miền Tiền Giang lẫn miền Hậu Giang như cây ô rô, cây bình bát, cây muối, cây dứa gai...

Cô được mệnh danh là "Con Nhạn Trắng Gò Công", nhưng tiếng cô chỉ lảnh lót như tiếng nhạn, chứ không quá buồn như tiếng nhạn. Nhưng cũng như tiếng nhạn, nó gợi một chút gì nuối tiếc cái bóng hạnh phúc đã trôi qua. Nhạn như tiếc mùa xuân tươi mát cỏ cây, mủa hè đẹp nắng và giờ đây phải đối diện với mùa thu ảm đạm sương mù và sẽ kéo theo mùa đông lạnh lẽo.
Còn Phương Dung khi hát, tiếng hát cô như phảng phất một chút u hoài dìu dịu, một chút luyến tiếc bảng lảng gần như mơ hồ về mảnh đất quê hương ở Gò Công của cô và thời cắp sách của cô ở trường trung học Nguyễn Bá Tòng.

Ngoài âm sắc ngời sáng và lộng lẫy, giọng hát Phương Dung còn ngọt lịm làm chúng ta nghĩ đến vị ngọt của mãng cầu biển và của đu đủ xiêm. Nó còn mặn mà tình ý làm ta nghĩ đến hai món mắm bất hủ: tôm chà và mắm tôm chua, đặc sản bất hủ của Gò Công.

Nhưng dù bản chất tiếng hát của Phương Dung là châu ngọc long lanh, là gương báu rạng ngời, nhưng Phương Dung không mấy chú trọng đến vấn đề trau giồi nó bằng kỷ thuật.
Cô dàn trải làn hơi không đều. Ở những chổ ngang ngang cô dồn hơi cho tiếng vang lộng, gây một dư âm sang sảng; nhưng đến khi lên cao hay xuống trầm, tiếng hát không lảnh lót khi lên cao, và trở nên hơi mỏng hơi và hơi nghẹn ngào khi xuống trầm. Đây là một giọng hát lấy cái véo von của tiếng hót chim ý nhi, lấy cái xao động của cành lá thuỳ dương reo trong gió để làm đẹp, làm cái quyến rũ cho giọng hát vốn không được luyện tập theo phương pháp chân truyền của mình.

Nghe Phương Dung hát, chúng ta còn nghĩ đến thứ gỗ cẩm lai tuy được bào chuốc láng mặt nhưng chưa được đánh lớp vẹc ni cho mặt bóng ngời như gương soi. Chúng ta còn nghĩ đến đá hoa cương chưa giồi mặt sau khi làm thạch bàn. Và nó cũng như rượu nếp than, tương, chao, nem, tré, xôi rượu chưa dậy men sung mãn để làm món ăn thức uống ngon miệng cho thực khách.

Phương Dung không biết ngân nga. Ở tiếng chót mỗi câu, cô chỉ nắn nót một vài hột ríu rít bời rời ; đó không thể gọi là chuỗi ngân được.

Có nhiều chỗ cô không thèm ngân nga, cũng không thèm kéo dài làn hơi. Vì sao? Bở cô phung phí làn hơi ở những chổ dễ hát để tiếng hát đầy âm vang, sáng lồng lộng như vòm trời tràn ngập ánh trăng rằm; đến khi lên hơi cao cần có làn hơi phong phú để kéo dài trường độ nốt nhạc ở tiếng cuối câu thì cô hụt hơi, thế là cô bỏ cuộc một cách tỉnh bơ, một cách gọn gàng, không thèm ngân nga làm gì cho cực thân.

Nhưng mà nghĩ cho cùng, nếu Phương Dung hát theo nề nếp chân truyền, có thể ngân nga dễ dàng như Mộc Lan, Châu Hà và Kim Tước thì chưa chắc cô đã được quần chúng đón nhận một cách say sưa nồng nhiệt như thế. Đa số quần chúng ghét ai hát mà bày chuyện ngân nga mà họ cho là rên i ỉ.

Tiếng hát của Phương Dung có thể đáp ứng cái sở thích quá đơn giản ấy. Lại nữa, tiếng hát ấy đã đẹp sẵn rồi, cô không cần trau chuốt giồi mài làm chi cho mất công. Đó như là rau cải diếp, rau húng, rau quế, dưa leo chỉ dành để cho thực khách ăn sống, để cho họ cảm nhận được cái tươi mát thơm tho của chúng.

Tiếng hát của Phương Dung là lọai rau ăn sống. Nó tươi rói, tràn trề sinh lực. Nó mộc mạc thân ái với khiếu thưởng ngọan đơn giản và dễ dãi của một số khán thính giả đông đảo hùng hậu.
Phương Dung diễn tả nổi buồn trong giọng hát củng chừng mực thôi, không rên rỉ. Tiếng của cô ở chổ ngang ngang thì ngọt mà không mềm. Nó dẻo dai như dây mây dây chọai trong các cánh rừng tràm miệt U Minh.







Lê Uyên & Phương: / Ngày mai, ta không còn thấy nhau.



Là tên ghép của cặp song ca vợ chồng Lê Uyên và Phương. Bắt đầu sáng tác và trình diễn nhạc của mình khi còn ở Đà Lạt, Lê Uyên Phương vào Sài Gòn cộng tác với Trường Kỳ trong chương trình Hippy Agogo và được khán thính hưởng ứng nồng nhiệt. Nữ ca sĩ Lê Uyên tên thật là Lâm Phúc Anh.
Vợ chồng Lê Uyên và Phương định cư tại Hoa Kỳ, ông chồng qua đời ngày 29 tháng 6 năm 1999.
Nhớ Đà Lạt, nhớ đôi nghệ sĩ tài hoa và những tình khúc bất hủ của họ....
Văn Đà Lạt 11 xin trân trọng giới thiệu bài viết dưới đây.
Những năm đầu của thập kỷ 70, Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Trong đạn bom và máu lửa, phong trào phản chiến của học sinh, sinh viên diễn ra ngày càng rầm rộ. Còn nhớ những đêm văn nghệ xuống đường tại Sài Gòn, bên cạnh những ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn, sự xuất hiện cặp song ca Lê Uyên – Phương như một hiện tượng, họ đã thổi một luồng gió mới vào nền tân nhạc thời bấy giờ. Với giai điệu nồng nàn, khắc khoải đôi khi bàng bạc triết lý, Lê Uyên – Phương đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt trong những ca khúc nổi tiếng: Bài ca hạnh ngộ, Còn nắng trên đồi, Dạ khúc cho tình nhân, Lời gọi chân mây, Vũng lầy của chúng ta...



Tuổi thơ
Lê Uyên Phương sinh năm 1941 tại Đà Lạt, là một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc miền Nam Việt Nam trước 1975. Ông tên thật là Lê Minh Lập. Do giấy tờ bị thất lạc trong chiến tranh, tên của ông bị khai nhầm thành Lê Minh Lộc rồi Lê Văn Lộc. Ông giữ tên Lê Văn Lộc từ đó đến giờ.
Cha của Lê Uyên Phương vốn họ Phan nhưng vì cuộc cách mạng của Phan Bội Châu nên phải đổi thành họ Lê. Mẹ của Lê Uyên Phương là Công Tôn Nữ Phương Nhi, ông lấy chữ Phương trong tên của mẹ làm tên cho mình. Cùng với chữ Uyên, tên người bạn gái đầu tiên, ông ghép thành  Lê Uyên Phương.
Bản nhạc đầu tiên “Buồn đến bao giờ” được Lê Uyên Phương viết tại Pleiku vào năm 1960. Tám năm sau đó (1968), Lê Uyên Phương gặp Lâm Phúc Anh ở Đà Lạt, hai người thành hôn. Họ trở thành đôi tình nhân song ca nổi tiếng. Lâm Phúc Anh không muốn dùng tên thật nên lấy tênLê Uyên. Hai người thường xuất hiện song ca trước công chúng nên được gọi Lê Uyên và Phương.
Thật ra, Lê Uyên là người Trung Hoa thuần chủng, sinh 1952 tại phố Hàng Bồ, Hà Nội. Cha chị người gốc Hải Nam , mẹ người Triều Châụ. Năm 1954, Lê Uyên cùng với bố mẹ và người em gái là Lâm Phi Yến từ Hà Nội di cư vào Nam, cư ngụ trong một ngôi nhà rất khang trang ở Chợ Lớn. Đâ cũng là nơi đặt văn phòng của một Công ty vận tải chạy đường Qui Nhơn, Huế và Đà Nẵng do thân phụ chị khai thác.
Năm 1969, họ dắt nhau xuống Sài Gòn. Trong những năm đầu cùng nhau đi hát, Lê Uyên và Phương chỉ giới hạn phạm vi hoạt động của mình trong khuôn viên đại học với phong trào Du ca Việt Nam . Với giọng ca thiết tha và trầm ấm, Lê Uyên và Phương đã đem một luồng gió mới đến với khán giả giả Sài Gòn những năm sau đó…


Yêu nhau trong lo âu…


Lê Uyên Phương là một người đa tài. Tuy nhiên, đến 27 tuổi, anh vẫn chưa có “mảnh tình vắt vai”. Lúc bấy giờ, trên thân thể chàng xuất hiện nhiều khối u lạ. Mặc dù bác sĩ chưa định ra chính xác là bệnh gì, nhưng ai cũng nghĩ chàng mắc bệnh ung thư xương, không biết sẽ ra đi vào lúc nào. Chính vì thế, anh không nghĩ đến hôn nhân  để khỏi gây khổ luỵ cho người khác.
Ngày ấy, 16 tuổi, nàng là nữ sinh trung học xinh đẹp và ngây thơ, được cha (một thương gia giàu có) đưa lên Đà Lạt  học tại Virgo Maria, một trường nữ trung học có tiếng thời bấy giờ. Vừa xinh đẹp, vừa giàu có, Lê Uyên được nhiều chàng trai tán tỉnh, ngày đêm thương nhớ.
Như một định mệnh, nàng lại gặp và yêu đắm say Phương, chàng nhạc sĩ mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo không biết sẽ ra đi lúc nào. Nàng như con nai hiền, anh như một khu rừng già luôn xòe bóng mát chở che. Lê Uyên Phương hơn Lê Uyên 11 tuổi. Năm ấy, anh đã là một ông thầy giáo dạy Triết và  Nhạc tại một vài trường ở Đà Lạt. Chàng được học violon từ bé và bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 20 tuổi, nhưng không ký tên thật là Lê Minh Lộc mà dùng bút danh Lê Uyên Phương.
Lê Uyên đã tâm sự: “Tôi yêu bởi cái tài và con người hiền lành, đạo đức, rộng lượng của anh. Nhưng yêu tha thiết hơn chính là vì căn bệnh hiểm nghèo của anh. Cuộc tình chúng tôi lãng mạn, đau đớn cũng bởi không biết một ngày nào đó cả hai sẽ chia lìa nhau. Chúng tôi yêu nhau nồng nàn và như thành một khối từng ngày, từng giờ cũng bởi cái chết luôn ám ảnh”.
Một nghiệt ngã khác trong cuộc tình định mệnh này là gia đình Lê Uyên không chấp nhận cho con gái đến với một người nay sống, mai chết như Phương. Cha, mẹ Lê Uyên cấm không cho họ gặp mặt nhau mỗi ngày. Trong thời gian về lại Sài Gòn, để được gặp mặt, họ phải ngồi suốt ngày trong nhà ga Sài Gòn. Có khi bụng đói rã rời, chỉ có mẩu bánh mì nhỏ trong bụng, ấy vậy mà họ vẫn không lìa nhau. Họ sống như thế một tháng trời. Những lúc nhớ thương người yêu da diết, anh dành hết cho âm nhạc. Những ca khúc trong tập Khi loài thú xa nhau đã ra đời trong hoàn cảnh chia lìa như thế.              Sau này, nhà văn Song Thao có viết về cuộc đời và hoàn cảnh những tác phẩm của Lê Uyên Phương:
Hồi đó... Nàng quen em gái anh và thỉnh thoảng vẫn lui tới nhà. Lúc đầu nói chuyện thường thường rồi sau anh trở thành “cố vấn” của nàng. Nàng hỏi ý kiến anh đủ thứ chuyện kể cả chuyện yêu đương nhăng nhít”. Họ yêu nhau lúc nào không biết. Tôi hỏi anh ngỏ tình yêu ở đâu. Trên đồi! Đà Lạt có những ngọn đồi mộng mơ cho những kẻ yêu nhau quấn quít..
Tiếng Lê Uyên và Phương từ chiếc máy cassette quấn lấy nhau vọng ra:
“ ...Lệ ngập ngừng bờ mi.
Giọt nước mắt lăn nỗi buồn.
Giọt nước mắt xa cách vời vợi trông.
Giờ này còn nhìn nhau.
Nhìn đắm đuối như suối bền.
Nhìn suốt kiếp như chết mòn.
Nhìn hấp hối thương đau.
Ngày mai ta không còn thấy nhau”
                                (Cho Lần Cuối).
Anh khẽ bảo tôi chính vì bài này mà người ta đồn là anh sắp chết. Bệnh tật của anh đã trở thành huyền thoại. Người ta bảo là anh chỉ còn sống được một năm nữa. Người ta đồn là vào năm 1972 anh sẽ chết. Anh đưa bàn tay trái cho tôi coi. Trên lưng ngón tay trỏ nổi lên một cục bằng trái cà chua nhỏ đỏ au và mòng mọng. Những đường gân máu chạy nổi thấy rõ. “Bác sĩ cũng chưa thể định là bệnh gì. Bây giờ nó đã nổi thêm trên mấy ngón khác và một vài chỗ trong người. Muốn chữa bây giờ chỉ có thể cắt ngón tay này nhưng tôi chưa muốn cắt”. Anh xác nhận là những bài ca viết về sự chia phôi không phải là do bị ám ảnh bởi cái chết nhìn thấy trước mà do sự rắc rối và xa cách của mối tình đẹp nhất đời anh và khi được hạnh phúc anh luôn luôn sợ ngày nó sẽ hết. Người nghệ sĩ không những sống cho mình mà còn thông cảm được với cuộc sống của những người khác. Anh đã nhìn thấy cái chết và đã nghĩ nhiều về cái chết...”
“Chuyện tình của họ đòi đoạn đớn đau. Gia đình nàng không chấp nhận. Họ mê say trong trốn chạy. Năm 1968, hai người sống ở Sài Gòn. Họ không có một chỗ gặp gỡ nhau. Suốt ngày hai người ngồi trong sân nhà ga Sài Gòn. Thỉnh thoảng họ phải làm bộ ngoắc tay những hành khách ngồi trên xe ca của hãng Hàng không Việt Nam cho ra vẻ ngồi chờ người nhà. Mỗi ngày chỉ có một mẩu bánh mì nhỏ trong bụng. Họ sống như vậy một tháng trời. Tình yêu của họ được kết hợp bằng những ngày không có nhau. Chính những ngày xa cách nhớ thương là thời gian anh sáng tác nhạc. Những bản nhạc đang dần dần quen thuộc với mọi người được kết tinh trong sự nhớ thương đó nên nặng mang sự chia phôi. Mười hai bài trong tập “Khi Loài Thú Xa Nhau” được viết trong thời kỳ này. Nó không còn mang tình yêu thơ mộng, tình yêu trong trí tưởng, thật xa và thật huyền diệu như mười bài trong tập “Yêu Nhau Khi Còn Thơ” được sáng tác trong thời kỳ trước đó khi chưa gặp Lê Uyên”.
...Đà Lạt hoang sơ quyến rũ đã đưa anh trở về những rung cảm nguyên thủy của buổi hồng hoang. Không có Đà Lạt chắc khó có một thứ nhạc độc đáo Lê Uyên Phương. Mỗi ngày anh thức dậy từ sớm đi lang thang khắp núi đồi Đà Lạt tới khoảng nắng lên thì trở về nhà nghỉ. Khi mặt trời đi ngủ anh lại đi cho tới tối trở về ngồi vào viết tới sáng”.

            Ngày mai, ta không còn thấy nhau.





Năm 1979, Lê Uyên và Phương rời khỏi Việt Nam và định cư tại Nam California, Hoa Kỳ. Họ có hai con gái là Lê Uyên Uyên và Lê Uyên My. Sau 15 năm chung sống, khoảng năm 1984 hôn nhân của hai người tan vỡ.
Sau đó, Lê Uyên lâm bệnh nặng. Sau một thời gian điều trị ở bệnh viện UCI ( University Of California in Irvine ) Lê Uyên Phương đã về nhà người con gái lớn của anh là Lê Uyên Uyên để sống. Đó là những ngày tháng bi thảm với một tình trạng sức khỏe sa sút do căn bệnh ung thư phổi tàn phá.
Cuối cùng, anh lại được đưa lại bệnh viện này để trút hơi thở cuối cùng vào chiều thứ Ba 29 tháng 06 năm 1999, hưởng dương 59 tuổi. Ông ra đi trong niềm luyến tiếc của mọi người yêu âm nhạc.
Ngày anh ra đi,  Lê Uyên suy sụp và gần như không gượng lại nỗi. Lê Uyên nhớ lại: “Lúc anh mất, tôi đã chuẩn bị thuốc ngủ để theo anh. Tôi khóc từ sáng đến đêm khuya, ngày nào cũng khóc và ngay khi tôi định tìm đến cái chết bởi quá tuyệt vọng thì tôi cảm nhận được có điều gì đó từ anh không muốn tôi như vậy. Có thể anh đã xui khiến một người bạn gọi đến cho tôi. Tôi còn nhớ rất rõ đó là ngày thứ 50 anh mất. Tôi không ngờ người bạn ấy có thể nói được những lời mà trước đây anh từng nói với tôi: “Nếu như nhạc của anh không có mình (anh không gọi tôi bằng em mà gọi là mình) thì không biết phải làm sao. Mình không thể khóc hoài như vậy, mình phải sống và có bổn phận gìn giữ, đưa âm nhạc của anh thăng hoa”.
Hơn 10 trôi qua… Giờ đây, Lê Uyên Phương không còn nữa nhưng tình khúc của ông đã trở thành những viên ngọc quý. Với giai điệu đam mê, đầy luyến tiếc, người ta còn thấy ở Lê Uyên Phương một tấm lòng bao dung và sự chắt chiu cho âm nhạc. Một ngày nào đó, trong góc khuất của đời sống, ngồi nghe lại “Dạ khúc cho tình nhân”:
…Ngày em thắp sao trời
Chờ trăng gió lên khơi
Mà mưa bão tơi bời
Một ngày mưa bão không rơi
Trên đôi vai thanh xuân
Ướp hôn nồng bên gối đắm say
Ánh sao trời theo gió rụng rơi đầy…
chúng ta mới thấy hết sự da diết, nồng cháy và ngọt ngào của một tình yêu đã đi xa ..


VŨNG LẦY CỦA CHÚNG TA
Theo em xuống phố trưa nay đang còn chất ngất cơn say
Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau
Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay
Cho nhau chất hết thơ ngây, trên cánh môi say
Trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn, tình buồn

Yêu nhau giữa đám rong rêu, theo dòng nước cuốn lêu bêu
Đi qua những phố thênh thang, đi qua với trái tim khan
Ði qua phố bước lang thang, đi qua với trái tim khan

Theo em xuống phố trưa mai đang còn nhức mỏi đôi vai
Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau
Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay
Cho nhau chất hết thơ ngây, trên cánh môi say
Trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn, tình buồn

Qua đi, qua đi dứt cơn mê
Tình buồn chồng chất lê thê
Qua đi, qua đi dứt cơn say
Tình này tình rồi thay

Ta sống trong vũng lầy
Một ngày vùi dần, còn vùi sâu, còn vùi sâu
Trong ngao ngán không dứt hết cơn cơn ê chề
Ta sống trong vũng lầy
Một ngày vùi dần, còn vùi sâu, còn vùi sâu
Trong ngao ngán không dứt hết một, một lần đau.


DẠ KHÚC CHO TÌNH NHÂN
Ngày em thắp sao trời
Chờ trăng gió lên khơi
Mà mưa bão tơi bời
Một ngày mưa bão không rơi
Trên đôi vai thanh xuân
Ướp hôn nồng bên gối đắm say
Ánh sao trời theo gió rụng rơi đầy
Cùng rót bao nhiêu ngày hoang
Cùng đếm bao nhiêu mộng tàn
Ru người yêu dấu trong vùng trời đêm

Vừa hoa nở tươi môi
Tình nhân đã xa xôi
Ðời ngăn cách nhau hoài
Một lần thôi đã không thôi
Yêu nhau trong lo âu
Biết bao lần tha thiết nhớ mong
Lá hoa rừng màu xóa đường quay về
Làm ánh sao đêm lẻ loi
Màu tối gương bên đèn soi
Ân tình sâu vẫn trong đời thủy chung

ĐK:

Ðời mãi mãi mãi cách xa
Dòng nước mắt nóng tiễn đữa
Xin cho lần cuối
Tình ấy đắm đuối thiết tha
Vì qua bao nhiêu điêu linh
Xót xa đắng cay trong đời

 Màn đêm mở huyệt sâu
Mộng đầu xin dài lâu
Một vì sao lạ rơi, nghe hồn tê tái
trên dòng hương khói bay
Ái ân ơi đừng phụ lòng ta
Nhớ thương sâu xin gởi người xa
Khóc nhau trong cuộc đời
Giấc mơ xưa khăn phủ vành sô
Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau
Chết bên nhau thật là hồn nhiên!
(Theo Trương Văn Khoa)

Lê Uyên Phương

Lê Uyên Ph°¡ng
Lê Uyên Phương (1941 - 1999) là một trong những nhạc sĩ lớn của dòng nhạc tại Sài Gòn, miền Nam Việt Nam trước 1975.

Ông tên thật là Lê Minh Lập, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1941 tại Đà Lạt. Trong thời kỳ chiến tranh, giấy tờ bị thất lạc, trong hai lần làm lại giấy khai sinh, tên của ông bị nhân viên giấy tờ nhầm thành Lê Minh Lộc rồi Lê Văn Lộc. Từ đó ông giữ cái tên Lê Văn Lộc.

Cha của Lê Uyên Phương vốn họ Phan, nhưng vì cuộc cách mạng của Phan Bội Châu nên phải đổi thành họ Lê. Mẹ của Lê Uyên Phương là Công Tôn Nữ Phương Nhi, ông lấy chữ Phương trong tên của mẹ làm tên cho mình. Cùng với chữ Uyên, tên người bạn gái đầu tiên, ông ghép thành nghệ danh Lê Uyên Phương.

Lê Uyên Phương gặp Lâm Phúc Anh ở Đà Lạt, năm 1968 hai người thành hôn. Họ trở thành đôi tình nhân song ca nổi tiếng. Vì Lâm Phúc Anh không muốn dùng tên thật nên lấy nghệ danh là Lê Uyên, cắt từ chữ Lê Uyên Phương. Hai người song ca được gọi Lê Uyên và Phương.

Lê Uyên Phương khởi sự viết nhạc từ 1960 với Buồn đến bao giờ viết tại Pleiku. Những năm đầu thập kỷ 1970, từ Đà Lạt vào Sài Gòn, Lê Uyên và Phương đã đem một luồng gió mới đến với tân nhạc. Trong những năm khốc liệt nhất của cuộc Chiến tranh Việt Nam, Lê Uyên và Phương, với những ca khúc nồng nàn, khắc khoải đôi khi bàng bạc, triết lý đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Lê Uyên Phương đã viết nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như: Bài ca hạnh ngộ, Còn nắng trên đồi, Dạ khúc cho tình nhân, Lời gọi chân mây, Vũng lầy của chúng ta...

Năm 1979, Lê Uyên và Phương vượt biên rời khỏi Việt Nam và định cư tại nam California, Hoa Kỳ. Họ có hai con gái là Lê Uyên Uyên và Lê Uyên My. Sau 15 năm chung sống, khoảng 1984, 1985 cuộc hôn nhân của hai người tan vỡ.

Mất tại nhà thương UCI, quận Cam, tiểu bang California, Hoa Kỳ ngày 29 tháng 6, 1999, lúc 2:45 Pm vì bệnh ung thư phổi, hưởng dương 59 tuổi. Ông ra đi trong niềm luyến tiếc của mọi người yêu âm nhạc.

Tác phẩm

Tập nhạc:

* Khi Loài Thú Xa Nhau (1970)
* Yêu Nhau Khi Còn Thơ (1971)
* Biển, Kẻ Phán Xét Cuối Cùng (1980)

Và một số tập nhạc đã hoàn tất, chưa ấn hành:

* Uyên ương Trong Lồng (1970-1972)
* Bầu Trời Vẫn Còn Xanh (1972-1973)
* Con Người, Một Sinh Vật Nhân tạo 1 (1973-1975)
* Con Người, Một Sinh Vật Nhân tạo 2 (1973-1975)
* Trại Tỵ Nạn Và Các Thành Phố Lớn (1979-1983)
* Trái Tim Kẻ Lạ (1987-1988)
* Lục Diệp Tố (1977-1990)

Ca khúc:

* Bài Ca Hạnh Ngộ
* Bên Đồi Lau Xanh
* Bên Hồ Than Thở
* Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa
* Buồn Đến Bao Giờ
* Chiều Phi Trường
* Cho Lần Cuối
* Còn Nắng Trên Đồi
* Dạ Khúc Cho Tình Nhân
* Đá Xanh
* Để Lại Cho Em
* Đêm Chợ Phiên Mùa Đông
* Đôi Khi Hạnh Phúc Buồn
* Đưa Người Tuyệt Vọng
* Hãy Ngồi Xuống Đây
* Hết Rồi Những Ngày Vui
* Khi Xa Sài Gòn
* Không Nhìn Nhau Lần Cuối
* Khúc Hát Nhân Tình
* Kỷ Niệm Trong Chiều
* Là Giọt Máu Bầm Trong Trái Tim Tôi
* Loài Hươu Đa Cảm
* Lời Gọi Chân Mây
* Máu Biếc Xanh Và Ngực Tối
* Một Dạ Hội Buồn
* Một Ngày Vui Mùa Đông
* Ngồi Lại Trên Đồi
* Nỗi Buồn Dâng Hiến
* Ở đây, Thôi Ở Đây Đành
* Tình Khúc Cho Em
* Tôi Đứng Trên Đồi Mây Trổ Bông
* Tôi Muốn Tin, Tôi Muốn Yêu Cuộc Đời
* Trên Da Tình Yêu
* Uống Nước Bên Bờ Suối
* Vũng Lầy Của Chúng Ta
* Yêu Nhau Trong Phận Người

Ngoài âm nhạc, Lê Uyên Phương còn viết văn và làm thơ: Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles (truyện, tùy bút 1990).