Tôi được xem Thanh Lan hát trong cuộc lễ tại trường Bộ Binh Thủ Đức. Chương trình văn nghệ chỉ vỏn vẹn có 3 cô học trò của Nguyễn Đức là: Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh và Thanh Lan.
Hai cô Phương mặc áo dài bằng mousseline trắng, quần sa teng tuyết nhung trắng trông đẹp hơn Thanh Lan trong chiếc áo dài trắng in những chùm rong biếc. Lẽ dể hiểu là hai cô Phương có một thân hình nồng nàn, nẩy nở thật sung mãn những đường cong nét lượn.
Còn Thanh Lan đã không có những cái lợi khí của mỹ nhân trên thân vóc, lại còn mặc áo màu lu câm, điểm trang son phấn vụng về, mái tóc cô cắt mành tương trước trán và xỏa dài tới vai đóng khung một khuôn mặt nhẫn nhục và cam phận.
Vốn là một giọng có đôi chút căn bản kỹ thuật, cho nên Thanh Lan dù hát những bản xoàng xỉnh hoặc những bản kém giá trị nghệ thuật mà vẫn tạo một chút gì ý nhị.
Bài "Gặp Nhau" của Hoàng Thi Thơ trước đó có Thái Thanh, Tuyết Mai, Thúy Nga, Lệ Thanh hát rồi, thế mà Thanh Lan vẫn tạo một phần riêng biệt ở phần diễn tả, ở phần luyến láy.
Nhờ cô mà bản "Trăm Nhớ Ngàn Thương" của Lam Phương trở nên nổi tiếng và bán chạy như tôm tươi. "Trăng Thanh Bình" của Lam Phương vốn là bài hát cũ, từ đầu thập niên 60 đã bị rơi vào quên lãng, nhưng khi cô moi ra hát lại vẫn làm say mê khán thính giả. Thanh Lan lúc đó như một tinh đẩu đang sáng rực rỡ.
Thanh Lan trở thành ca sĩ là do sự khuyến khích của bà mẹ. Lúc đầu bà mẹ của Thanh Lan dắt cô đến nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi để cho cô thọ giáo, nhưng họ Nghiêm lại giới thiệu cô cho nhạc sĩ Nguyễn Đức.
Trong lò Nguyễn Đức, Thanh Lan chịu thua chịu thiệt với lớp Bích Vân, Ngọc Vân, Phước Vân, Hoàng Oanh. Sau đó cô lu mờ trước lớp Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế..
Thuở đó, cô không là cái gì cả với nhan sắc lu mờ, làn da xanh xao, đôi mắt cận thị, giọng hát mềm mại khó so bì với cái giọng lảnh lót của các cô bạn đồng môn.
Thanh Lan có giọng hát trong trẻo, lưu loát và ngọt ngào. Làn hơi cô không mạnh nhưng khá phong phú. Cách hát của cô khác hẵn các nữ ca sĩ cựu môn sinh lò Nguyễn Đức. Đó là lối hát chân truyền qua lối dàn trải làn hơi đâu vào đó, qua lối ngân nga tự nhiên và dễ dàng.
Chính cô là kẻ tiền phong trong việc "tầm tân sư học đạo". Cho nên Phương Hồng Hạnh nối gót theo cô, tìm được ông tân sư Hoàng Thi Thơ để luyện giọng, nhờ đó mà cô ta hát có chiều hướng đi lên hàng ngũ Mai Hương, Tuyết Anh ở đài phát thanh Sài Gòn.
Đó là những giọng mỏng và lu mờ bạc nhược, nhưng nhờ kỹ thuật thâm hậu mà hát hay, xứng đáng là một ca sĩ thuần túy và có căn bản nghệ thuật.
Riêng Thanh Lan có giọng phong phú hơn giọng Phương Hồng Hạnh, lại chọn những bài bản có giá trị nên giọng hát càng thêm nét cao sang. Nhưng về sau, vì muốn có nhiều khán thính giả nên cô hát thêm loại nhạc phổ thông dành cho quần chúng tạp nhạp.
Tuy nhiên vốn thông minh, cô tùy lúc tùy trường hợp mà hát. Ở những môi trường gồm người bình dân đông đảo, cô hát những bản mà Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Hương Lan thường hát. Còn ở chốn có nhiều kẻ sành điệu, cô hát những bài mà Thái Thanh, Mai Hương, Quỳnh Giao, Khánh Ly và Lệ Thu thích hát.
Tiếng hát cô giống tiếng hát của Hà Thanh ở chổ ngọt và gợi cảm, chớ không phải là thứ ngọt mà không đặc sắc, đồng dáng với những giọng ngọt khác của Tâm Đan, Mai Ly, Băng Tâm, Bạch Quyên ở các phòng trà.
Tuy nhiên giọng cô là giọng gợi nên hình dáng thiếu nữ mơn mởn vẻ son ngó đào tơ, còn giọng Hà Thanh là giọng gợi nên hình ảnh thiếu phụ yêu kiều tình tứ.
Thanh Lan tên thật là Phạm Thái Thanh Lan, sinh ngày 1 tháng 3 năm 1948 tại thành phố Vinh. Thuở nhỏ, Thanh Lan học tại trường trung học Marie Curie, sau đó cô theo học Đại học Văn khoa Sài Gòn và tốt nghiệp năm 1973. Sau 1975, Thanh Lan ở lại Việt Nam tiếp tục ca hát và đóng phim. Cuối năm 1993, cô sang định cư tại California, Hoa Kỳ.
ÂM NHẠC
Thanh Lan tham gia nghệ thuật từ rất sớm. Từ năm 9 tuổi, cô học dương cầm với các sơ ở trường Saint Paul, sau đó được vợ nhạc sĩ Thẩm Oánh và nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi hướng dẫn. Từ khi còn là nữ sinh của trường Marie Curie, Thanh Lan đã bắt đầu hát trên đài phát thanh trong ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức và tham gia trong ban nhạc sinh viên mang tên Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà - đây cũng là một ban nhạc có khuynh hướng Việt hóa nhạc trẻ đầu tiên ở Sài Gòn.
Sau ban Việt Nhi, Thanh Lan gia nhập đoàn văn nghệ học sinh sinh viên Nguồn Sống. Cô thường hát dân ca và nhạc tiền chiến và ghi tên học các lớp dân ca và đàn tranh tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Trong chương trình văn nghệ học đường quay hình trên đài truyền hình Sài Gòn, Thanh Lan xuất hiện trong tiết mục dân ca ba miền và liền sau đó đã được đài truyền hình liên tiếp mời tham gia chương trình nhạc tình ca. Đó là những năm 1967, 1968 khi Sài Gòn mới có những chương trình truyền hình đầu tiên.
Ngay từ khi vào năm thứ nhất của Đại học Văn khoa, Thanh Lan bắt đầu trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Cô tham gia hát trong rất nhiều băng nhạc, hình ảnh Thanh Lan cũng hiện diện trên các bìa bản nhạc bày khắp nơi. Trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào nhạc trẻ Việt Nam, Thanh Lan là một trong những khuôn mặt quen thuộc nhất với những ca khúc lời Pháp. Thanh Lan còn hát chung với nam ca sĩ Nhật Trường qua những tình khúc của Trần Thiện Thanh tạo thành cặp song ca ăn khách, rồi hai nghệ sĩ này còn đóng chung với nhau qua hai bộ phim truyền hình Trên đỉnh mùa đông và Mộng thường do Nhật Trường viết kịch bản và đạo diễn phát sóng trên đài truyền hình Sài Gòn trước năm 1975.
Cô cũng đi lưu diễn ở một số nước trên thế giới. Năm 1973, tại Nhật Bản, cùng đi với hai nhạc sĩ Ngọc Chánh và Phạm Duy, Thanh Lan đã trình bày ca khúc Tuổi biết buồn được vào chung kết tại Đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha tại Tokyo. Cô còn ở lại Tokyo để thu âm hai bài Ai no hio Kesanaide và Tuổi mộng mơ của Phạm Duy, được dịch sang tiếng Nhật là Yume o Miruno.
Sau vài năm gián đoạn từ 1975, Thanh Lan lại tiếp tục hoạt động bên lĩnh vực ca nhạc, nổi tiếng với các bài hát như: Cô đi nuôi dạy trẻ, Đi qua vùng cỏ non, Phượng hồng, Em đi chùa Hương, Triệu đóa hoa hồng, Khi xưa ta bé (Bang bang), Trở về mái nhà xưa (Come back to Suriento), Búp bê không tình yêu, Giàn thiên lý đã xa, Samba Mambo, Trưng Vương khung cửa mùa thu. Cô tham gia hát nhiều nơi như Đoàn Kim Cương, đoàn Bông Hồng, đoàn Hương Miền Nam...
Thanh Lan cũng tổ chức những buổi biểu diễn riêng như Tiếng hát Thanh Lan vào năm 1991 tại sân khấu 4A ngoài trời Nhà Văn hóa Thanh niên, Đêm nhạc Thanh Lan vào năm 1992 tại hội trường 1 Nhà Văn Hóa Thanh Niên. Thanh Lan đã từng thu âm băng nhạc cho các hãng băng như: Sài Gòn Audio, Bến Thành Audio, Vafaco, Phương Nam phim, Trẻ, Phú Nhuận...
Cuối năm 1993, Thanh Lan sang định cư tại Mỹ và tiếp tục tham gia các hoạt động văn nghê. Cô đi trình diễn ở các tiểu bang của Hoa Kỳ và hợp tác thu âm cùng rất nhiều hãng đĩa. Cô từng đứng ra thực hiện riêng cho mình các CD, VCD, DVD ca nhạc, trong số đó có nhiều nhạc phẩm do cô soạn lời Việt từ những nhạc phẩm Pháp nổi tiếng.
SÂN KHẤU
Từ năm 18 tuổi, Thanh Lan đã diễn vai chính nhiều vở kịch truyền hình trong ban kịch Vũ Đức Duy. Năm 1973, ban kịch Vũ Đức Duy trình làng vở kịch Những người không chịu chết của kịch tác gia Vũ Khắc Khoan trên truyền hình cũng như tại sân khấu rạp Thống Nhất và sân khấu Viện Đại học Đà Lạt với thành phần diễn viên: Thanh Lan, Vũ Đức Duy, Nguyễn Lập Chí, Lê Cung Bắc. Trong vở kịch này, Thanh Lan đóng vai cô gái hơi bị tâm thần con ông bảo vệ trong một thương xá tại Sài Gòn.
Posted Image
Ngoài một số vở kịch vui của ban kịch Vũ Đức Duy, Thanh Lan đã nhận nhiều vai chính trong những vở bi kịch như Mắc lưới với ban kịch Linh Sơn, Chiếc độc bình Khang Hy, Người viễn khách thứ mười. Cô đã xuất hiện trong vở Chuyến tàu mang tên dục vọng tại sân khấu của Hội Việt Mỹ Sài Gòn.
Sau 1975, Thanh Lan có tham gia đóng vai một nhân vật Mỹ trong một vở kịch ngắn trình diễn trên sân khấu đoàn ca nhạc điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh và tham gia thâu âm băng cassette chương trình hài kịch Đội lốt Việt kiều cùng với các nghệ sĩ Duy Phương, Tú Trinh, Nguyên Hạnh, Túy Phượng. Năm 1991, cô đã từ chối không tham gia vở kịch Tình nghệ sĩ do đạo diễn Hồng Phúc dàn dựng.
Ở hải ngoại, Thanh Lan cũng đã diễn vai chính trên sân khấu California trong các vở kịch như: Lá sầu riêng, Lôi vũ, Lồng đèn đỏ, Đoạn tuyệt, Sân khấu về khuya, Phù dung tự. Những vở kịch này đã được lần lượt trình diễn tại các sân khấu của Orange County, San Jose, Houston, Atlantic City.
Ngoài ra, Thanh Lan đã viết ba vở kịch vui: Công tử Bạc Liêu cùng diễn với Ái Vân tại vũ trường Ritz, Orange County và Baton Rouge, Chuyện vui này xuân cùng diễn với Mai Lệ Huyền tại vũ trường Majestic, Orange County và tại San Jose và Look Alike cùng diễn với Mạnh Đình tại Majestic, Orange County và tại Houston. Cô cũng đã từ chối hai vở Yêu và Tây Thi vì đang bận đi diễn xa. Cuối thập niên 1990, tại California các khán giả Việt Nam yêu kịch đã bầu Thanh Lan là nữ kịch sĩ xuất sắc.
ĐIỆN ẢNH
Sự nghiệp điện ảnh của Thanh Lan bắt đầu vào năm 1970, khi cô đóng vai chính trong bộ phim Tiếng hát học trò của đạo diễn Thái Thúc Nha do hãng phim Alpha sản xuất. Với vai diễn này, Thanh Lan đã đoạt giải nữ diễn viên nhiều triển vọng nhất của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật trước năm 1975. Cuối năm 1974, tại phòng khánh tiết khách sạn Continental, Thanh Lan đã nhận giải diễn viên đẹp nhất miền Nam Việt Nam do đạo diễn Lê Dân trao.
Trước 1975, Thanh Lan đã tham gia đóng 8 bộ phim điện ảnh cùng với 2 phim truyền hình, trong đó có một phim do hãng phim Amino Nhật và đạo diễn Nhật quay vào tháng 3 năm 1975: Number ten blues. Về sau bộ phim này được đổi tên thành Goodbye Saigon, trong đó Thanh Lan thủ vai nữ chính bên cạnh hai diễn viên người Nhật.
Năm 1984, khi đang chuẩn bị quay tiếp bộ phim Ván bài lật ngửa tập 4 Cơn hồng thủy và Bản tango số 3 thì nữ diễn viên chính Thúy An mang thai, không thể tiếp tục tham gia vai diễn Thùy Dung với nhiều cảnh hành động. Để không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất phim trong năm 1984 của Xí nghiệp phim Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã quy định, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đành tìm chọn diễn viên khác thay thế. Ông đã mời nữ diễn viên Phạm Thúy Lan, nhưng Thúy Lan đang bận đóng phim Vụ án hồ Con Rùa của đạo diễn Trần Phương. Cuối cùng đạo diễn Lê Hoàng Hoa mời Thanh Lan và cô đồng ý tham gia bộ phim này.
Sau khi thực hiện xong tập 4 Cơn hồng thủy và Bản tango số 3, hãng phim, đạo diễn Lê Hoàng Hoa cũng như đoàn làm phim Ván bài lật ngửa nhận thấy rằng Thanh Lan có ngoại hình rất phù hợp với nhân vật Thùy Dung, cô được đánh giá cao về mặt diễn xuất cho nên cô đã được mời tiếp tục đảm nhận vai diễn Thùy Dung cho các tập còn lại của phim Ván bài lật ngửa thực hiện trong các năm 1985, 1986 và 1987.
Trong năm 1986, sau khi quay xong tập 6 Lời cảnh cáo cuối cùng của phim Ván bài lật ngửa, Thanh Lan được đạo diễn Nguyễn Xuân Thành mời vào vai Diệu Hương cho phim Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc. Cô đã diễn xuất thành công vai Diệu Hương. Bộ phim Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc khi trình chiếu nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1987 đã ăn khách đứng hàng thứ hai sau phim Cao áp và nước lũ - tập 7 của Ván bài lật ngửa, đồng thời đây cũng là bộ phim Việt Nam ăn khách đạt doanh thu đứng hàng thứ ba trong năm 1987 sau các phim Cao áp và nước lũ, Trả lại tên cho em - tập 4 của phim Biệt động Sài Gòn.
Năm 1987, sau khi hoàn thành vai diễn Thùy Dung trong Vòng hoa trước mộ - tập 8 của phim Ván bài lật ngửa, Thanh Lan tham gia phim Ngoại ô của đạo diễn Lê Văn Duy. Năm 1989, cô thể hiện vai Thục Nhàn trong tập 1 Số phận của phim Đằng sau một số phận do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện.
Thanh Lan cũng đã lồng tiếng giọng Huế cho vai Nguyệt trong phim Cô gái trên sông của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Người thể hiện vai này là diễn viên Minh Châu. Trong sự nghiệp điện ảnh, Thanh Lan từng từ chối ba phim: Chuyện tình của biển (1989), Tên phim dành cho khán giả (1992), Qua mùa giông bão - tập 3 của phim Nước mắt học trò (1993).
Cuối năm 1993, Thanh Lan chuẩn bị làm bộ phim điện ảnh đầu tay Đan Thanh do cô viết kịch bản và đạo diễn, với Nguyễn Chánh Tín và Lê Cung Bắc đóng vai chính. Nhưng chưa kịp thực hiện thì cô rời Việt Nam sang Hoa Kỳ định cư.
PHIM
* Tiếng hát học trò (1970)
* Yêu (1971)
* Lệ đá (1971)
* Ngọc Lan (1972)
* Gánh hàng hoa (1972)
* Trên đỉnh mùa đông (1972)
* Xin đừng bỏ em (1973)
* Xóm tôi (1973)
* Mộng Thường (1973)
* Trường tôi (1974)
* Goodbye Saigon (1975)
* Ván bài lật ngửa (1984 - 1987)
* Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc (1986)
* Ngoại ô (1987)
* Cao nguyên F.101 (1988)
* Hai chị em (1988)
* Chiều sâu tội ác (1988)
* Thiên đường cho cô gái nhảy (1989)
* Đằng sau một số phận (1989 - 1990)
* Ba biên giới (1989)
* Tình không biên giới (1990)
* Bên kia màn sương (1990)
* Tình người (1993
1 comment:
Tinh co duoc mot nguoi ban goi cho link thonag huong xua, xem lai nhung hinh anh cu va nghe lai nhung giong ca mot thoi cua saigon nam xua toi o khoi boi hoi xuc dong...
Xin cam on tat ca cac ban da cong phu tim kiem va post cho moi nguoi cung thuong thuc..
xin sua doi hay lay ra tam kinh cua co gai nao do ma cac ban viet la Ca si Le-thanh.Toi la em gai nuoi cua chi nen biet rat ro.Neu chi thay bai nay toi tin chac chi buon lam ! Chi hien dang o Montreal cac ban co the lien lac de xin mot tam hinh cua chi chac o kho' !
Post a Comment