Tuesday, November 29, 2011

Trường Kỳ

 
Tr°Ýng Kó
Nhạc sĩ, nhà báo Trường Kỳ đã đột ngột từ trần vào sáng ngày chủ nhật 22 tháng 03 năm 2009 nhằm ngày 26 tháng Hai năm Kỷ Sửu. Từ Montreal, ông đến Toronto để dự đêm ra mắt CD "Ơn Nghĩa Sinh Thành" của em Tường Vi được tổ chức tại Capitol Banquet Hall.

Sáng chủ nhật 22-03, ông cảm thấy mệt và được vị thân hữu nơi ông cư ngụ gọi xe cấp cứu chuyển vào bệnh viện thành phố Mississauga, Ontario và 1 giờ sau đó, ông đã từ trần tại nơi đây.

Trường Kỳ tên thật là Vũ Trường Kỳ sinh ngày 29 tháng 3 năm 1946 tại Hà Nội. Thuở nhỏ ông theo học tại trường Puginier cho đến lớp 11è , năm 1954. Năm 1956, ông tiếp tục theo học lớp 10è (lớp Tư) chương trình Pháp tại trường Aurore, gần ngã tư Cao Thắng và Phan Đình Phùng. Niên khóa 1958-1959, Trường Kỳ vào trường dòng La Salle Taberd. Ông đậu Bacc 2è (Tú tài toàn phần) vào năm 1966 và ghi danh vào đại học Luật Khoa.

Ông là một khuôn mặt đi đầu trong phong trào phát triển nhạc trẻ Việt nam vào đầu thập niên 60. Trong nhiều năm, ông cùng Jo Marcel, Tùng Giang, Nam Lộc, v.v.... đã đứng ra tổ chức thành công nhiều cuộc trình diễn nhạc trẻ qui mô tại Sài Gòn: Đại Nhạc Hội Nhạc Trẻ Taberd liên tiếp từ năm 64 đến năm 1973 (ngoại trừ năm 1968 ), Đại hội Nhạc Trẻ Ngoài Trời 1971, dưới sự yểm trợ của Tổng cục Chiến tranh Chính trị QLVNCH để gây quỹ cho Cây Mùa Xuân Chiến sĩ tại sân Hoa Lư. Đại Hội Nhạc Trẻ Thảo Cầm Viên từ 71 đến 74 và thực hiện chương trình nhạc trẻ hàng tuần "Hippies À Go Go" từ năm 67 đến 71. Ông từng có những biệt danh như: "Vua Nhạc Trẻ", "Lãnh Tụ Hippy".

Ông đã chuyển nhiều ca khúc ngoại quốc thành lời Việt trong tuyển tập "Tình Ca Nhạc Trẻ" trong khoảng thời gian 1972-1973, phát hành và thu thanh trên các băng nhạc Tình Hồng, Tình Ca Nhạc Trẻ, Thế Giới Nhạc Trẻ. Trước năm 1975, ông viết phóng sự cho báo báo Kịch Ảnh, Màn Ảnh, phụ trách trang nhạc trẻ trên nhật báo Sống của nhà văn Chu Tử, cộng tác với các báo Tinh Hoa, Chính Luận, Tiền Tuyến, Thứ Tư...

Tiểu thuyết Tuổi Choai Choai do ông viết được Jo Marcel, Nam Lộc và ông, cùng thực hiện thành phim Vết Chân Hoang. Trước đó, Trường Kỳ và Jo Marcel đã cho ra mắt phim "Thế Giới Nhạc Trẻ". Vượt biển năm 1979; được vớt lên Nhật. Ông định cư tại Montreal Canda vào tháng 11.1980.

Trường Kỳ cộng tác với nhiều đài phát thanh : VOA,SBS,VOVN... Ông viết cho nhiều báo Việt ngữ tại nhiều quốc gia trên thế giới: Thời Báo Toronto, Canada, Thẩm Mỹ, Nghệ Thuật (Montréal, Canada) Trẻ (Nam California), Trẻ (Bắc Cali), Văn Nghệ Thời Báo, Kỷ Nguyên Mới, Việt Mercury... (Hoa Kỳ), Tivi Tuần san (Australia)...

Tác phẩm đã xuất bản:
# Tuyển Tập Nghệ Sĩ 1, 2 , 3 và 4 (sưu tập, phỏng vấn, giới thiệu gần đầy đủ các nhạc sĩ, ca sĩ Việt Nam)
# Một Thời Nhạc Trẻ, dày 384 trang.

Trước kia, trong một bài nhận xét về chương trình Asia 57 "Thế Giới Tình Yêu", Duy Khiêm đã viết về bài hát "Vui Chơi Tình Ta" như sau:

"...Một ca sĩ khác được rất nhiều khán giả ái mộ và yêu cầu trở lại sau khi cô xuất hiện lần đầu ở Asia 56 là Nhã Phương sẽ đơn ca một bài hát nổi tiếng của ban The Carpenters vào năm 1974 là Jambalaya. Hôm nay bài hát này cũng được nhạc sĩ kiêm nhà báo Trường Kỳ dịch ra tiếng Việt lần đầu tiên với tựa đề là "Vui Chơi Tình Ta" và dành riêng cho Nhã Phương ở chương trình Asia 57 này."
"Phong trào nhạc trẻ bắt đầu phát triển tại miền Nam VN vào đầu thập niên 1960, qua những sách báo và đĩa nhạc du nhập từ Pháp. Các tên tuổi của làng nhạc trẻ Pháp Quốc đã mau chóng trở thành những thần tượng của giới trẻ VN. Như Sylvie Vartan, Francoise Hardy, Sheila, France Gall, Christophe, Michel Polnareff, vv... Những nhạc phẩm do họ trình bầy đã được các ca sĩ nhạc trẻ VN như Elvis Phương, Paolo, Jo Marcel, Helena, Thanh Lan, Julie, Minh Xuân, vv... cất tiếng hát, cùng với các ban nhạc trẻ như Les Vampires với Jacky hoặc Les Fanatiques với Công Thành vv...

Tuy nhiên không lâu sau đó, hiện tượng Elvis Presley từ HK và The Beattles từ Anh Quốc cùng nhiều ban nhạc trẻ khác đến từ Âu Mỹ đã mau chóng thay đổi sinh hoạt của nền nhạc trẻ VN, nhất là từ sau buổi đại hội nhạc trẻ Woodstock diễn ra trong 3 ngày tại HK vào năm 1969, cùng sự ra đời của phong trào Hippy. Mà người góp công rất lớn trong việc đẩy mạnh sự phát triển của nhạc trẻ VN thời bấy giờ là nhà báo Trường Kỳ cùng thân hữu của anh. Rất nhiều ban nhạc trẻ VN đã được thành lập và chỉ hai năm sau đó, vào tháng Tư, năm 1971, để thỏa mãn nhu cầu của những người hâm mộ, một buổi đai hội nhạc trẻ ngoài trời đầu tiên ở VN đã được tổ chức tại sân vận động Hoa Lư, quy tụ gần 20 ngàn người, với sự tham dự của hơn 20 ban nhạc trẻ đến từ Hoa Kỳ, Phi Luật Tân, Úc Đại Lợi, Thái Lan, Đại Hàn, Mã Lai, Indonesia và VN. Từ đó các buổi ĐHNT đã được tổ chức liên tục hàng năm với mục đích yểm trợ Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ và Cô Nhi, Quả Phụ, cho đến ngày CS cưỡng chiếm miền Nam .

Một biến chuyển đáng kể khác xẩy ra từ năm 1972, đó là phong trào Việt hóa cũng như sáng tác nhạc trẻ VN, nhờ vậy mà hàng ngàn ca khúc ngoại quốc đã được chuyển dịch hoặc soạn lời Việt cùng với sự ra đời của nhóm Phượng Hoàng mà những tác phẩm âm nhạc vừa kể vẫn được lưu truyền và đón nhận cho đến ngày hôm nay." (trích từ DVD Asia 59)

Ra đời ngày 29 tháng 3 năm 1946 tại Hà Nội, con của ông Vũ Ngọc Trân và bà Phạm Thị Trọng Yêm, được người bác vốn là soạn giả nhiều bộ sách giáo khoa Pháp văn, không tức cảnh sinh tình, mà vịn vào chữ nghĩa phổ biến của thời đại "trường kỳ kháng chiến" đặt cho cái tên có tuổi thọ đáng nể: Trường Kỳ.

Cậu bé họ Vũ dễ nuôi, nhưng sớm mất tình mẫu tử. Ngay trong ngày ngấp nghé ba tháng tuổi, cuộc tình giữa cha mẹ đã đổ vở, Trường Kỳ được đưa về làng Đồng Nghĩa tỉnh Nam Định cho ông bà nội nuôi dưỡng. Sáu năm ấu thơ đi qua, thằng cháu đích tôn, chưa hề dám đuổi một con ruồi, sống trong tình thương yêu của bố, của ông bà nội thật ấm áp, tuyệt vời. Vườn rau, chái hiên, vuông sân, bờ ao, gốc đa...thay nhau rủ rê, dìu dắt cậu đi khắp thôn, khắp làng, đi dần đến những ước mơ chập chờn, chưa định hình trong đầu óc. Cậu bé Kỳ cứ thế lớn lên cho đến ngày được trở về Hà Nội, được đưa vào trường Puginier và ở đây cùng văn hoá Pháp cho đến lớp 11è, năm 1954.

Thực hiện hiệp định Genève, đoàn quân kháng chiến chống Pháp tiếp thu thủ đô Hà Nội. Lúc bấy giờ gia đình Trường Kỳ ở trọ gần Nhà Thờ Lớn. Chủ nhà là một người mê âm nhạc, đã sắm được một cái máy chạy dĩa, quay tay. Chính cái sản phẩm kỳ diệu này đã làm cho Trường Kỳ nhập tâm những ca khúc mà ngày ấy anh chưa biết tên. Chưa đủ trí khôn và lòng đam mê để tiếp nhận đầy đủ cái đẹp, cái tuyệt vời của Thiên Thai, Trương Chi, Sông Lô...Nhưng trong tận cùng tâm thức của một cậu bé đã có sự huyền nhiệm của âm nhạc bén mầm. Những trò chơi tinh nghịch đốt dán, đánh kiếm trong nhà Chung... vốn là những thực phẩm cần thiết cho tuổi thơ thập niên 50 chóng lớn, Trường Kỳ có đủ. Anh còn có cả thời gian tập sắp hàng, để ca hát, để nhảy múa cùng Chiến Thắng Điện Biên, Qua Miền Tây Bắc, Kết Đoàn, Hò Kéo Núi...

Dù văn phòng luật sư Bonnard và Đỗ Mạnh Quát ở Hải Phòng có làm chậm chân, ông Luật sư, bố Trường Kỳ, cũng về kịp, đưa cả gia đình lên chuyến tàu cuối cùng "Ville De Hải Phòng" vào Nha Trang. Chưa kịp đi hết một góc "bãi cát trắng phau", vừa thoát khỏi đám đông "xém bị đè bẹp dúm" khi bám tay một người cô, tên Liễu, lăn vào xem mặt Tổng thống Ngô Đình Diệm khi ông kinh lý Nha Trang, Trường Kỳ đã thoát được cái nóng của mái nhà tôn tại trại gia binh, để theo gia đình vào Sài Gòn. Sáu tháng hữu duyên cùng thành phố biển đã đi qua. Năm 1956, anh được tiếp tục theo học lớp 10è (lớp Tư) chương trình Pháp tại trường Aurore (Rạng Đông sau này) trên đường Phan Đình Phùng, gần ngã tư Cao Thắng. Niên khóa 1958-1959, Trường Kỳ vào trường nhà dòng Taberd. (Anh có đạo Công Giáo, chịu phép Rước Lễ Đầu tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội). Có trong tay tấm bằng Brevet (B.E.P.C, Trung Học Đệ Nhất Cấp) năm 1963, Trường Kỳ đương nhiên đi tiếp con đường học vấn. Khi đang chuẩn bị lấy Baccalauréat 1ère partie, thì đại sứ quán Pháp tại Sài Gòn có thông cáo (niên khóa 1964-1965) huỷ bỏ kỳ thi này, thay bằng một cuộc sát hạch nhẹ nhàng hơn để lấy Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Trung Học (Certificat de Fin d'études Secondaires). Trường Kỳ rất khoái bởi anh đã biết ham chơi hơn ham học. Nhưng cuối cùng, ông cháu đích tôn nhà họ Vũ cũng phải qua cái Bacc 2è, (1966) để ghi danh vào đại học Luật Khoa. Đang nhức đầu vì các môn Dân Luật, Hình Luật, Công Pháp Quốc Tế, Kinh Tế Học... thì vừa đến lúc phải biết thế nào làm bổn phận của người thanh niên trong cuộc chiến. Không biết may hay rủi, cái kính cận mang từ thời lên tám, mỗi năm mỗi dày ra, đã giúp Trường Kỳ chỉ vui chơi ở Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ sau ba bốn bận vào ra, thì có giấy miễn dịch vĩnh viễn. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa trả cho anh trở về môi trường thích hợp hơn: sinh hoạt âm nhạc.

Song song với các trò chơi sưu tầm tem thư, sưu tập truyện bằng hình mua từ hội quán Coeur Vaillant, Trường Kỳ chơi âm nhạc bằng cách mở radio nghe đều đặn các chương trình Tuyển Lựa Ca Sĩ của đài Phát Thanh Sài Gòn. Âm nhạc từ đó, từng bước đi vào cuộc sống Trường Kỳ. Anh đã được các ông chú, bà cô đưa vào phòng trà Anh Vũ, đến rạp Kim Chung và không bỏ sót những chương trình Đại Nhạc Hội. Trường Kỳ sớm biết mê những tiếng đàn, tiếng trống của Khánh Băng, Phùng Trọng, ban nhạc The Blue Jean Boys...Cuối cùng, thời kỳ trực tiếp chạm tay vào âm nhạc cũng đến. Trường Kỳ theo học đàn accordéon từ nhạc sĩ Vũ Lung. Với cái đàn khá nặng trước lồng ngực hẹp của thân thể nhỏ con, nhưng Trường Kỳ đã cùng người bạn mới này, lần lượt đi qua các ca khúc Thoi Tơ, Dừng Bước Giang Hồ, Cumparsita, La Paloma, Come Back To Sorrrento, Blue Danube...Những tên tuổi trong giới nghệ sĩ chưa hề gặp cũng cảm thấy gần gũi hơn, nào là Phạm Duy, Văn Phụng, La Hối, Nguyễn Hiền, Canh Thân, nào là Thái Thanh, Thái Hằng, Mộc Lan, Hà Thanh, Châu Hà, Kim Tước... Giữa giai đoạn chăm chỉ rèn luyện, Trường Kỳ bỗng tình cờ có cơ hội biểu diễn lần đầu tiên trong đời. Bục diễn của anh nằm trong sân trường Lạc Hồng. Khán giả của anh là vô số học sinh cấp tiểu học cùng đầy đủ mẹ cha của họ. Trường Kỳ đã trổ tài cùng với giọng ca Phương Lan, Quốc Thắng, Kim Chi...Cuộc biểu diễn được chính Trường Kỳ cho là non tay, nhưng phần thưởng anh nhận khá lớn, đó là sự quen biết giữa anh và thần đồng Phương Lan, sau mấy lời ngợi khen của cô ca sĩ tí hon này.(Phương Lan tên thật Võ Thị Nhi). Nhớ lại một lần biểu diễn đầu đời khác của mình trước đám đông tại số nhà 55 trên đường Cao Thắng, Trường Kỳ viết:

"... Thiên hạ tự nhiên đùa giỡn thân mật bao nhiêu thì tôi mang một đống mặc cảm và rụt rè bấy nhiêu. Có máy lạnh hẳn hoi nhưng mồ hôi tôi cứ tuôn ra dầm dề như đang phải làm một công việvc nặng nề và vất vả. Quả thật lúc đó tôi đang vất vả để tìm được sự yên tĩnh. Biết thế đếch thèm nhận lời cho xong, có quê mặt với 'cô láng giềng' cũng thây kệ, còn hơn ngồi một đống ù lì ở đây, quê không chịu được. Rồi cũng đến màn trình diễn của Phước Vân, và tôi bị nàng kéo lên sân khấu phụ họa. Đến nước này phải lấy hết can đảm bước lên theo nàng, mặt vẫn cúi gầm ra vẻ đăm chiêu về những bài hát sắp phải đệm cho nàng, nhưng thật sự không dám ngẩng lên nhìn vào đám khán giả đang chăm chú theo dõi. Phước Vân nhí nhảnh, cười toe toét tự nhiên, trong khi tôi thuộc hàng thứ yếu đứng lùi hẳn phía sau nàng kéo đàn phụ họa...

...Phần kéo đàn của tôi được diễn ra ngay sau đó, tim tôi đập thình thịch trong khi được giới thiệu là một tay kéo accordéon nhiều triển vọng ! Tôi nhủ thầm, bố khỉ !

... Sao thiên hạ lại im phăng phắc như thế này, mọi tiếng cười đùa ngưng bặt khi tôi dạo những notes nhạc đầu tiên của bài Dừng Bước Giang Hồ sau một vài giây luống cuống. Chẳng phải thiên hạ chờ đón màn trình diễn của tôi, thật ra lấy làm ngạc nhiên khi thấy xuất hiện giữa khung cảnh 'văn minh' này một cây đàn thuộc loại cổ điển, không hợp thời trang chút nào với một tay nhạc sĩ cũng thuộc loại... 'bán cổ điển' qua bộ y phục, mặc dù rất 'kẻng' nhưng không thuộc loại của 'dân chơi'..."

Từ một cậu bé nhút nhát, thường "cúi gầm mặt khi đối diện với người lạ" thằng "Kỳ Đen" rủ thằng "Kỳ Lùn" tiến đến những biệt danh "Vua Nhạc Trẻ", "Lãnh Tụ Hippy" không phải là những tình cờ ngẫu nhiên. Đó là cả một quá trình sinh hoạt văn nghệ với nhiều bộ môn, thơ, truyện, âm nhạc... rất phong phú của Trường Kỳ. Nhưng âm nhạc, tài nghệ tổ chức, lẫn ký giả văn nghệ mới chính là những trọng điểm giúp cho cậu thanh niên không lớn con, không xấu trai này thành danh.

"Với bản tính hiền hòa, cởi mở, năng động, Trường Kỳ biết cách kết nối thành công những tài năng có chung một một chí hướng, một sự yêu mê nghệ thuật lại với nhau. Trong gần suốt hai thập niên 60, 70 anh cùng một số bạn trong giới nghệ sĩ như Jo Marcel, Tùng Giang, Nam Lộc, vv...đã đứng ra tổ chức thành công nhiều cuộc trình diễn ca nhạc qui mô tại những địa điểm rộng lớn ở thủ đô Sài Gòn. Bước khởi đầu vào sân chơi âm nhạc rộng lớn của Trường Kỳ và các bạn chính thức mở màn trong năm 1964. Thị dân SàiGòn, nhất là lớp trẻ của một thời tự do hẳn khó quên những: Đại Nhạc Hội Nhạc Trẻ Taberd liên tiếp từ năm 64 đến năm 1973 ( trừ năm 68 ), Đại hội Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời 1971 (tại sân Hoa Lư), Đại Hội Nhạc Trẻ Thảo Cầm Viên từ 71 đến 74,....Ngoài ra còn các chương trình nhạc trẻ hàng tuần "Hippies À Go Go" được tổ chức tại những vũ trường ỏ Sài Gòn từ năm 67 đến 71 như : Chez Jo Marcel , Queen Bee và Ritz"

Gia tài ca khúc nhạc trẻ thời bấy giờ tại Việt Nam còn khá nghèo nàn so với sự ra đời thật náo nhiệt của những ban, nhóm chơi nhạc kích động như: (danh xưng này được đổi thành Nhạc Trẻ do chính Trường Kỳ nêu ra và được dùng từ năm 1965): Les Fanatiques, Les Vampires, The Teddy Bears, The Daltons, Les Faucons Noirs, Les Tridents, The Rockin' Stars, The Black Caps, The Hard Stones, The Dreamers, The Spotlights, Phượng Hoàng, The Strawberry Four, The Bee Gees, The Apple Three, The Cats' Trio, The Hammers, The Dreamers, The Crazy Dogs, The Teen Sound, The Peanuts Company, The Enterprise, The New Flintsones Corporation, The Hard Stones, The Fighters, The Starling Show, The Blue Stars, The Free Ones, vv...Vì lẽ này, Trường Kỳ liền xắn tay áo chuyển ca khúc ngoại quốc thành lời Việt, đồng thời cho phát hành những bộ sưu tậpTình Ca Nhạc Trẻ đánh số từ 1 đến 7 trong khoảng thời gian 1972-1973. Những ca khúc Trường Kỳ viết lời Việt được in thành từng bản rời phát hành rộng rãi và thu thanh trên các băng nhạc Tình Hồng (thực hiện cùng Nam Lộc 1973), Tình Ca Nhạc Trẻ, Thế Giới Nhạc Trẻ (ca sĩ trình bày gồm: Elvis Phương, Duy Quang, Minh Xuân, Minh Phúc, Thanh Lan, Julie, Thanh Mai, Paolo...) Được đón nhận nhiều nhất là các bản: Tình Yêu Trong Đời (Sealed With A Kiss), Rồi Mai Đây (Lo Mucho Te Quiero), Thú Yêu Thương (The Godfather), Khi Ta Hai Mươi (All I Have To Do Is Dream), Thương Nhớ Trong Mưa (The Rhythm Of The Rain), Mùa Tình Yêu (Le Temps De L'Amour), Mùa Đông Em Đi (I Started A Joke), Điện Thoại Tới Anh (Téléphone-moi)... Kể từ Tình Ca Nhạc Trẻ 2, còn có thêm những nhạc phẩm được gọi là Việt Hóa của nhiều nhạc sĩ khác như : Phạm Duy, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Nam Lộc, Tuấn Dũng, Trung Hành, Cao Giảng, vv...Ngoài ra anh còn viết lời cho một số sáng tác của Tùng Giang như : Biết Đến Thuở Nào, Cuộc Tình Xưa, Ta Hôn Nhau Trong Công Viên, vv...

Danh tiếng của Trường Kỳ mỗi ngày một nổi, bởi cùng với âm nhạc, anh biết chen vào lãnh vực báo chí. Nghề làm ký giả, tưởng chỉ đóng vai trò phụ nhưng chính cái viết lách tùy hứng này đã giúp tên tuổi Trường Kỳ đứng vững đến hôm nay. Cũng như nhiều bạn trẻ sính văn nghệ, Trường Kỳ làm thơ và thành lập thi văn đoàn lấy tên Hội Hoa Cương. Không rõ anh chơi thơ được bao lâu. Bài Xuân Nhớ Em của anh đăng trên nhật báo Ngôn Luận, có thể nói lên được tuổi thọ của thi văn đoàn do anh lập: "Giữa buổi xuân về tôi nhớ em/ bóng ai nhặt lá chắp bên thềm/ mối sầu hiu quạnh buồn xa vắng/ gửi én đem về xuân nhớ em/ gió chiều rung nhẹ hạt sưong xuân/ rũ áo thời gian lấm bụi trần/ dừng gót phiêu lưu bên quán vắng/ xuân về dâng lệ mắt giai nhân". Nghề thơ không thành công nhưng nghề viết phóng sự của Trường Kỳ sớm có đất dụng võ. Anh dùng tên Johnny Kỳ cho một số bài phóng sự âm nhạc của mình trên báo Kịch Ảnh từ năm 1964. Bài viết đương nhiên được ông chủ nhiệm Quốc Phong trả nhuận bút hẳn hoi. Về sau Trường Kỳ còn được mời viết ở tuần báo Màn Ảnh, rồi phụ trách trang nhạc trẻ trên nhật báo Sống của nhà văn Chu Tử. Phóng sự hoặc những bài viết có liên quan đến âm nhạc của Trường Kỳ còn xuất hiện trên nhiều tuần báo, nhật báo tại thủ đô như Tinh Hoa, Chính Luận, Tiền Tuyến... Phóng sự ăn khách của Trường Kỳ lúc bấy giờ có tên "36 Kiểu Cua Đào" đi trên tạp chí Thứ Tư.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của nhạc trẻ, những trang báo của người khác chủ trương có phần không đủ chỗ cho Trường Kỳ múa bút, nên anh đã bàn với một số bạn chí thân để khai sinh một vùng đất mới, chuyên đề về âm nhạc. Báo của Trường Kỳ mang tên Nhạc Trẻ, khổ nhỏ như tạp chí, 100 trang, phát hành 300 số. Báo có tòa soạn hẳn hoi trên đường Trương Công Định. Nhưng rất tiếc, tiền rửa hình, tiền đánh máy, tiền đóng gáy, dán bìa...chỉ cho phép Nhạc Trẻ trình diện một lần duy nhất. Trong nghiệp viết của Trường Kỳ, ngoài phóng sự anh còn viết tiểu thuyết. Cuốn Tuổi Choai Choai của anh được Jo Marcel và chính anh cùng Nam Lộc góp tay thực hiện thành phim Vết Chân Hoang, một phim màu scope khá thành công. Trước phim này, Trường Kỳ và Jo Marcel cũng thực hiện được phim Thế Giới Nhạc Trẻ.

Đời sinh hoạt nghệ thuật của Trường Kỳ quả thật sôi động, phong phú, nhờ đó anh tiếp xúc, quen biết với nhiều nhân vật trong nhiều lãnh vực văn học, nghệ thuật, quân sự, chính trị như Mai Thảo, Duyên Anh, Chu Tử, Phạm Duy, Viên Linh, Lê Hoàng Hoa, Phạm Huấn, Đỗ Kiến Nhiễu, Nguyễn Cao Kỳ...Nhưng tuyệt vời nhất, đây là cơ hội ngàn vàng tạo cho gia tài tình nhân của anh trở nên vô cùng giàu có. Khởi từ tuổi mười ba, Trường Kỳ đã biết cái thú của nhà thơ Nguyễn Bính dù không có hàng dậu mùng tơi nào nơi anh cư ngụ. Anh cũng sớm nhận ra mùi hương của một thịt da, được cấu tạo có chút khác biệt với phái nam, khi anh được một cô giáo ôm tiễn chân sang trường khác. Tình yêu nằm trong khoảnh khắc dậy thì thật là tuyệt vời. Trường Kỳ đã ghi lại giúp chúng ta những náo nức, rạo rực một thời, rất tinh tế, thành thật:

" Tôi và Phước thường rủ nhau đi xem 'xi la ma' ở rạp Khải Hoàn, đối diện chợ Thái Bình. Dĩ nhiên không có màn đi riêng mà phải rủ thêm chị và em gái nàng đi cùng mới được phép. Nói vậy chứ, cho đi 'xi la ma' riêng một mình với nàng chưa chắc tôi đã dám vì tưởng tượng ra cảnh hai cô cậu 13, 14 tuổi dắt nhau vào rạp sao nó kỳ cục quá. Dù có đi chung với chị em của nàng, nhưng tôi vẫn có dịp được 'đụng chạm' chút đỉnh nên lấy làm khoái chí vô cùng. Chạm vào tay nàng cũng cảm thấy 'đã' , có lần chơi bạo nắm tay nàng một phát và được nàng không chống cự lại càng thấy 'đã' vô cùng tận. Tiền quà sáng của tôi do đó thường xuyên bị cắt giảm để dành dụm đưa nàng vào bóng tối của rạp 'xi la ma'..." (Một Thời Nhạc Trẻ, trang 26)

Rồi những Loan, Uyên, Mai...những mối tình "mini"dẫn dắt anh chàng ham tổ chức, ham thành lập hội, nhóm (Kỳ's Cine Club, Teenager's Club...) ham ăn, chóng lớn trong tình trường. Nhưng không ảnh hưởng bởi Cô Giáo Thảo, Sept Nuits Merveilleuses. Trường Kỳ vẫn luôn luôn thánh thiện và anh có được nghĩa cử tốt đẹp để không thực hiện "một cuộc tình một đêm" với một nữ độc giả, cũng là một người tập tễnh làm thơ, từ Bình Dương trốn nhà, lặn lội tìm thăm anh. Đạo đức của Trường Kỳ cuối cùng giúp anh nhận được phần thưởng: gặp và yêu Thu Huyền.

Ông vua nhạc trẻ đã làm kinh ngạc gia đình và bè bạn khi quyết định khép lại cuộc sống độc thân vào ngày 26 tháng 10 năm 1973. Thu Huyền vừa đủ thời gian để phát hành tác phẩm đẹp nhất của Trường Kỳ trước khi Cộng Hòa Việt Nam cáo chung. Cô bé gái ra đời ngày 31 tháng 3 năm 1975, được ông nội đặt tên Vũ Ngọc Tú Uyên.

Năm 1979, Trường Kỳ tạm để vợ con lại quê nhà, anh cùng 47 người khác lên chiếc tàu dài chừng 12m lặng lẽ ra khơi. Trong mười hai ngày, đụng đầu với ba trận bão lớn, anh và bạn đồng hành vẫn nuôi hy vọng. Họ thay nhau vẫy gọi, cầu cứu những con tàu đi ngang. Mãi cho đến chiếc tàu thứ 35 của Scotland mới chịu vớt đưa đến Tokyo. Trường Kỳ có tròn một năm sống ở thành phố Omiya, sát cạnh Tokyo. Anh đã được một cô người Nhật tên Hamada Tazudo, vợ của ca sĩ Jo Marcel, đến viếng thăm và đưa đi ngoạn cảnh đó đây. Trong thời gian này, anh dạy Anh Văn cho trẻ em tại một trường tư đồng thời làm gia sư cho người lớn tuổi.

Trường Kỳ cũng đảm nhận luôn việc giảng dạy Pháp ngữ cho một số quân nhân Hoa Kỳ đồn trú tại Nhật. Việc định cư ở nước thứ ba là nỗi lo của Trường Kỳ. Thoạt đầu anh được các nghệ sĩ ở Mỹ: Jo Marcel, Nam Lộc, Phạm Duy, Khánh Ly....đứng ra bảo lãnh để sang Hoa Kỳ. Hồ sơ của anh được chấp nhận, nhưng sau một đêm suy nghĩ, anh quyết định xin qua Canada. Anh dự liệu sẽ có thể bảo lãnh vợ con sau ba năm ở xứ lạnh, hơn là kéo dài đến bảy, tám năm ở Hoa Kỳ. Một lý do khác, anh tiết lộ: "Lúc đó tôi còn trẻ, sợ không tránh khỏi những 'cám dỗ' ở Mỹ nên quyết định qua xứ lạnh 'tu' chờ vợ con cho trọn tình trọn nghĩa!."

Tháng 11 năm 1980, Trường Kỳ đến định cư tại thành phố Montréal Canada. Sau đó bảo lãnh vợ con qua được vào năm 1983. Thở lại không khí tự do và sau một năm ổn định cuộc sống, Trường Kỳ bắt đầu viết trở lại. Anh cộng tác với hầu hết các báo Việt ngữ tại nhiều quốc gia trên thế giới, cụ thể như Thời Báo (Toronto, Canada), Thẩm Mỹ, Nghệ Thuật (Montréal, Canada) Trẻ (Nam California), Trẻ (Bắc Cali), Văn Nghệ Thời Báo, Kỷ Nguyên Mới, Việt Mercury... (Hoa Kỳ), Tivi Tuần san (Australia)... Trường Kỳ cũng cùng Tùng Giang thực hiện một tạp chí nghiêng về âm nhạc, mang tên Chào, vào năm 1982 tại Hoa Kỳ. Số thứ nhất tạp chí Chào, bìa thực hiện bởi họa sĩ Vivi, in offset 4 màu lộng lẫy. Và để giảm giá ấn phí, Chào cho thực hiện một lúc 4 mẫu bìa cho bốn số. Số 1 phát hành thuận lợi, được bạn đọc đón nhận. Nhưng sự xa cách giữa gia đình và tòa soạn (Montréal- California) đã cầm chân Chào số 2 nằm mãi trong giai đoạn thu nhận bài vở. Số tiền tưởng tiết kiệm cho ba mẫu bìa với hàng nghìn bản thành ra chi phí vô ích. Trường Kỳ cho rằng mình không có số làm chủ báo, chỉ có phận viết mướn, viết chùa cho thiên hạ. Thật ra cây bút đã giúp anh có thu nhập lợi tức khá khả quan.

Trước năm 1975, Trường Kỳ ngoài việc phát hành nhạc bản, tuyển tập nhạc trẻ, anh còn cho in các tập phóng sự: Mặt Trái Của Nữ Sinh Sài Gòn (1968), 36 Kiểu Cua Đào (1969), Tuổi Choai Choai (phóng sự tiểu thuyết, 1971).Chỉ cần đọc tên sách, chúng ta đã có thể biết những cuốn sách của Trường Kỳ rất ăn khách. Anh đánh hơi thật rõ thị hiếu của lớp trẻ thành phố, đánh những phát trúng ngay mục tiêu. Tuổi nữ sinh là thời kỳ tinh hoa nhất của mọi người thiếu nữ, ở đó còn đủ e lệ, thẹn thùng, còn đủ những ngây thơ dễ thương và cũng có cả những ranh mãnh lẫn những táo bạo khi bắt đầu biết nhớ nhung biết yêu thương, Đó là lúc mọi người thiếu nữ đều xinh đẹp, lộng lẫy bởi vì : "em từ lục bát bước ra/ bốn bề hơi thở Nguyên Sa dịu dàng/ giường đầy hoa đã ngấm sang/ thịt da khi đổi y trang mỗi ngày/ trái tim đồng loã ngón tay/ nở thơm trên thỏi sáp bày bên hông/ máu không trở lại chính tâm/ mà bên ngực trái bềnh bồng mùi hoa/ em từ lục bát bước ra/ cõng ông Bùi Giáng xuề xòa ngả nghiêng..." (thơ Lê Hân – Tình Thơm Mấy Nhánh , trang 28)

Đã là nữ sinh mà còn vang danh nữ sinh Sài Gòn nữa thì biết bao nhiêu hấp dẫn, gọi mời. Sự bạo dạn đến táo bạo của họ học được từ lối sống văn minh Âu Mỹ qua sách báo, qua tiếp cận cùng những người nữ ngoại nhân có mặt tại thành phố, mỗi ngày một được cập nhật. Ai không thích muốn ghé mắt vào những tảng màu, những ánh nắng nóng ấm đó ? Nếu có những bạn thanh niên: "...Vịn Cung Trầm Tưởng dạo chơi/ theo Huy Cận ghé vào môi nắng sầu/ cùng Hoài Khanh ngồi bên cầu/ nhìn mây vuốt tóc lắc đầu trốn em/ cùng Luân Hoán nằm trùm mền/ sợ rơi giấc nhớ mất em bất ngờ..." (thơ Lê Hân – TìnhThơm Mấy Nhánh, trang 29) Thì cũng không thiếu những anh chàng thực tế hơn, ngổ ngáo hơn, muốn nhìn thật rõ cái Mặt Trái Của Nữ Sinh Sài Gòn, mà tìm ở đâu dễ dàng nhất, ngoài những trang phóng sự của Trường Kỳ ? Đọc những trang chữ sống động của một thanh niên ham chơi, biết chơi để xem "ở trong lòng cặp hiền lành/ sách vở nằm với hương chanh, me, nhài.../lòng em thêm nhánh tóc mai/ xâu bao nhiêu gót con trai theo cùng..." (Lê Hân. TTMN, trang 72) là hữu hiệu, thuận tiện nhất. Đã tìm hiểu xong, đương nhiêu muốn đến tay, phải theo tán tỉnh, không thể ngồi chờ sung rụng. Trường Kỳ dễ dàng nhận ra, đa số thanh niên Sài Gòn nói chung, nam sinh nói riêng, phần đông chỉ là thứ chết nhát, hoặc giả bộ hiền lành, lý tưởng như bạn anh, nhà thơ Lê Hân (sinh sau Trường Kỳ một năm, nội trú ở Đắc Lộ Sài Gòn) "yêu em, đích thực thế nào ?/chẳng lẽ chỉ biết đi vào đi ra/ yêu em, quả thực ba hoa/ nói xuôi nói ngược vẫn là có duyên/ yêu em quả thực thành tiên/ không cánh mà vẫn an nhiên phiêu bồng/ cái tâm cái trí mênh mông/ chung quanh đời một màu hồng bao la..." (TTMN-27). Lẩm cẩm như thế không biết đến bao giờ mới có một tấm tình yêu thật sự bỏ bụng. Nên Trường Kỳ cần phải viết sách huấn luyện. 36 Kiểu Cua Đào do đó đắt như tôm tươi. Sau khi đã hướng dẫn những mánh khóe chuyên nghiệp, Trường Kỳ còn thấy cần phải phơi bày tường tận cái đẹp, cái hay, cái rắc rối phức tạp của lứa tuổi mới lớn, thèm yêu. Tuổi Choai Choai từ đó ra đời trong sự chào đón nồng nhiệt của bạn đọc.

Năm 2002 tại hải ngoại, Trường Kỳ cho xuất bản tập bút ký ưng ý nhất của anh, cuốn Một Thời Nhạc Trẻ. Sách dày 384 trang bìa mầu được trình bày bởi Lê Phan Lân, một giọng ca tài tử rất được mến mộ tại Montréal. Một Thời Nhạc Trẻ được chia làm 4 chương. Mỗi chương mang một tên riêng. Chương 1: Một Thuở Ham Vui. Chương hai: Một Thời Nhạc Trẻ. Chương ba: Những Ngày Tháng Hippy. Chương kết: Một Chốn Bồng Lai.

Như tên gọi của nó, cuốn sách đề cập đến một thời âm nhạc, đặc biệt chỉ loại nhạc mà đa số người thưởng ngoạn đều còn trẻ tuổi, hoặc những người còn giữ được sự thanh xuân. Tác phẩm Một Thời Nhạc Trẻ cho chúng ta biết khái quát về những trào lưu âm nhạc hiện đại trên thế giới. Từ sự phát triển, gây ảnh hưởng đến những tên tuổi nổi bật của ca sĩ, nhạc sĩ, ban nhạc trên nhiều quốc gia. Những tên tuổi một thời đã nghe qua, được nhắc lại như: Dalida, Sylvie Vartan, Francoise Hardy, Johnny Halliday, Les Chaussettes Noirs, Charles Aznavour, Yves Montand, Elvis Presley, Sandra Dee, Ricky Nelson, Frankie Avalon...Những điệu nhạc Twist, Rock "N" Roll, Let's Twist Again...cùng những phong trào Yéyés, Hippy...gia nhập Hòn Ngọc Viễn Đông như thế nào cũng được Trường Kỳ ghi lại khá rõ ràng. Nhưng chủ yếu của cuốn sách, là những ghi nhận về sự hội nhập cùng phát triển các hình thái âm nhạc kích động, từng được gọi là "nhạc giựt" tại Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, trên một vùng đất nhỏ, đông dân, ngay trong thời buổi chiến tranh đã sinh nở quá nhiều ban nhạc, ca sĩ mà giá trị nghệ thuật chưa có một đánh giá nào rõ rệt.

Danh từ Nhạc Trẻ cũng do chính Trường Kỳ đề nghị đưa ra dùng thay cho tên gọi Nhạc Kích Động, hơi gần với bạo động. Nhạc Trẻ đem lại không khí tươi vui, hoạt náo, năng động. Nhưng với mắt nhìn của xã hội, nhất là trong giai đoạn có máu thịt đổ ra, tan nát từng giây phút tại các mặt trận không xa Sài Gòn bao nhiêu, không thể không có những phê phán. Phong trào nhạc trẻ Sài Gòn, theo tôi, là một hình thức phản chiến cao cấp nhất, và đã có kết quả khả quan. Cũng là thủ đô trong thời chiến, nhưng Hà Nội khác hẳn. Cái hơn của miền Nam là tự do. Nhưng những bước chân quá đà của những người thụ hưởng tự do nhiều khi rất tai hại, và tai hại đã xảy ra thật. Sự thất thủ của Sài Gòn một phần do giới lãnh đạo, nhưng quần chúng không thể hoàn toàn phủ nhận sự góp tay gián tiếp của mình. Trường Kỳ một thanh niên yêu âm nhạc, yêu tự do và đương nhiên rất cần thiết hòa bình, anh theo đuổi, thực hiện tận tình nguyện vọng, sở thích của anh đó là một ưu điểm. Nhưng không thể hoàn toàn biện minh cho anh trước những nghi ngờ. chỉ trích của một số nhân vật chính quyền lẫn báo giới. Trong Một Thời Nhạc Trẻ, Trường Kỳ đã nhắc lại đủ những điều này, thật đáng quí. Cũng phải cảm ơn Trường Kỳ cho chúng ta biết tường tận những khởi đầu của những tên tuổi trong làng nhạc Việt Nam, khởi đi từ thập niên 60, 70 như Thanh Lan, Trung Hành, Duy Quang, Ngọc Bích, Tuấn Ngọc, Đức Huy, Nam Lộc, Tùng Giang vv... Một Thời Nhạc Trẻ là một bút ký nhưng có lẽ đúng hơn là hồi ký của một giai đoạn. Tính chất hồi ký giúp Trường Kỳ vịn vào tháng năm của cuộc đời anh để ghi lại từng diễn tiến có liên quan đến âm nhạc. Một Thời Nhạc Trẻ còn là một tập tài liệu quí giá để tìm hiểu sinh hoạt âm nhạc miền Nam trong giai đoạn chiến tranh. Tài liệu này chắc chắn sẽ hoàn hảo hơn nếu Trường Kỳ viết dưới dạng nghiên cứu hoặc nhận định có bố cục chặt chẽ, rõ ràng hơn.

Ưu điểm dễ nhìn thấy nhất ở Một Thời Nhạc Trẻ là nghệ thuật viết của Trường Kỳ: giản dị, nhẹ nhàng, trong sáng xen lẫn với nét duyên dáng, hóm hỉnh. Đọc Một Thời Nhạc Trẻ chúng ta gặp lại vô số những tiếng lóng đã được sử dụng rộng rãi một thời như: khứa lão, ghế mẫu, chịu đèn, bắt địa, bề hội đồng, bò lạc, lấy le, ngồi đồng, đi tàu suốt, áo mưa,v..v...Trường Kỳ cũng thường linh động dùng những câu thơ nổi tiếng, châm chế chút ít để hỗ trợ cho câu chữ của mình thêm duyên dáng: "...Nhưng những lúc đi qua mà tôi đứng khuất phía sau cửa sổ là y như rằng mắt nàng liếc vào phía trong đảo tới đảo lui như có vẻ kiếm tìm. Đúng là 'ai bảo em là giai nhân, cho lòng anh đau khổ. Ai bảo em...tà tà qua cửa sổ, cho vướng nợ thi nhân' Hề, hề, bảo đảm chịu quá đi rồi mà còn làm bộ làm tịch..."

Đoạn văn trích sau đây vừa mô tả thực trạng nhạc trẻ Việt Nam, vừa là tiêu biểu cho lối hành văn của Trường Kỳ: "... Tại Việt Nam, thật sự không có một nền nhạc trẻ thuần túy mà chỉ là một sự chạy theo phong trào, phát xuất từ những quốc gia Âu Mỹ. Trong thời kỳ đầu tiên, hoàn toàn là một sự thụ động, bắt chước những ca sĩ và ban nhạc của các quốc gia này bằng cách trình bày những nhạc phẩm lời Pháp, Mỹ và Anh. Giới trẻ cũng như ban nhạc thời đó còn chạy theo thời trang của các ban nhạc ngoại quốc với quần ống túm, giầy 'bốt' đế cao (gọi là 'bottine') cùng với áo chemise bó sát người , đeo giây lưng bản bự và mặc quần để xệ dưới rốn (thường gọi là 'taille basse') và để tóc dài, khiến nhìn từ sau khó lòng phân biệt nam hay nữ như nhận xét của các 'ông bô, bà via' . Còn phái nữ thì thi nhau mặc sản phẩm của tay 'designer' nổi tiếng Anh quốc Mary Quant là chiếc 'mini-jupe' ngắn cũn cỡn, trông rất bắt mắt. Các cô cũng như các cậu phải sắm cho bằng được chiếc velo solex mới được gọi là hợp thời trang. Riêng các cậu bảnh hơn thì sắm xế Honda, Yamaha hay Suziki, thường là 50cc, bảnh hơn thì 75cc hay 150 cc. Càng nhiều phân khối bao nhiêu càng chứng tỏ là một tay chơi bấy nhiêu. Nếu có 'ống bô' chổng lên trời thì càng hách xì xằng hơn. Phía các cô, bảnh hơn thì chạy Cady hoặc PC50. Các nhà buôn xe gắn máy trên đường Gia Long trong những năm giữa thập niên 60 đúng là ở trong một thời kỳ vàng son, tha hồ hốt bạc của dân choai choai. Cũng như tại các quốc gia khác, thời trang luôn luôn đi kèm với ca nhạc nơi lớp trẻ để tạo nên một màn 'phối hợp nghệ thuật' rất hay ho."(trang 98)

Trước và sau sự có mặt của Một Thời Nhạc Trẻ, Trường Kỳ còn cho phát hành bộ biên soạn về đời sống, sinh hoạt của giới làm nghệ thuật Việt Nam, anh đặt tên là Tuyển Tập Nghệ Sĩ. Năm 1995 tuyển tập đầu tiên ra đời. Năm 1996 một tuyển tập tương tự. Hai tuyển tập này không mang số thứ tự, nhưng bắt đầu năm 1999, anh cho Tuyển Tập Nghệ Sĩ mang kèm số 3. Và tuyển tập mang số 4 cho năm 2000, Đến năm 2001 thì không thấy xuất hiện số 5. Rồi số 7 lại có trong năm 2004. Năm nay, 2007 Trường Kỳ chuẩn bị cho in tiếp tập thứ 8 bởi một nhà in tại Đài Loan, cơ sở vừa in tập Phiếm thứ tư của nhà văn Song Thao. Sự thiếu thống nhất trong đánh số cũng là một đáng tiếc.

Với Tuyển Tập Nghệ Sĩ, Trường Kỳ lần lượt giới thiệu với chúng ta tiểu sử cùng cuộc đời ca hát của nam nữ ca sĩ Việt Nam. Những chân dung, hình ảnh sinh hoạt cũng được in kèm. Sự tìm hiểu, giới thiệu của Trường Kỳ được thực hiện qua dạng phỏng vấn hoặc anh viết những bài nhận xét khá đầy đủ. Ở Tuyển tập 1,Trường Kỳ giới thiệu những người thường dẫn chương trình ca nhạc như: Công Thành, Nam Lộc, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Nguyễn Ngọc Ngạn, Trần Quốc Bảo,Việt Thảo. Phần nhạc sĩ sáng tác được giới thiệu tiếp theo gồm: Nguyễn Dũng, Lữ Liên, Nguyễn Đức, Việt Dzũng, Trần Quảng Nam, Phạm Duy, Trúc Hồ, Từ Công Phụng. Rồi đến các phần ca sĩ: Ái Vân, Don Ho, Duy Quang, Elvis Phương, Hương Lan, Kenny Thái, Khánh Hà, Khánh Ly, Kiều Nga, Linda Trang Đài, Ngọc Bích, Ngọc Lan, Sơn Tuyền, Thanh Lan, Trizzie Phương Trinh, Tuấn Anh, Tuấn Ngọc, Tuấn Vũ, Vũ Khanh, Ý Lan, Anh Khoa, Anh Sơn, BạchYến, Bảo Hân, Billy Shane, Cao Lâm, Chung Tử Lưu, Công Thành, Diệu Hoàng, Giao Linh, Hạ Vy, Họa Mi, Hoàng Liêm, Hoàng Nam, Hùng Cường, Hương Thơ, Jo Marcel, Julie, Khả Tú, Kim Anh, Lệ Thu, Lê Uyên, Lucia Kim Chi, Lưu Hồng, Mai Lệ Huyền, Minh Đức, Mỹ Huyền, Mỹ Lan, Ngọc Anh, Nhật Hạ, Như Mai, Nini, Nhật Trường, Phi Khanh, Phượng Khanh, Candie Phi Phi, Phương Hồng Quế, Quang Bình, Quốc Anh, Quốc Sỹ, Quỳnh Hương, Sĩ Phú, Tuấn Đạt, Thanh Thúy, Thái Tài, Thanh Hà, Thảo My, Thiên Nga, Thiên Phượng, Thúy Vy, Trang Thanh Lan,Trung Hành, Uyển Mi,Ý Nhi, Diễm Liên, Đài Trang, Lâm Thúy Vân, Lưu Bích, Mạnh Đình, cùng một số ban nhạc, một số ca sĩ, nhạc sĩ ở nhiều quốc gia ngoài Hoa Kỳ. Tôi có cảm tưởng: Trường Kỳ dự trù chỉ thực hiện một tập là chấm dứt, bởi anh tập trung gần đầy đủ những giọng ca cùng những người có liên quan đến âm nhạc tại hải ngoại. Khuyết điểm lớn của cuốn sách là có khá nhiều trang quảng cáo biến giá trị nghệ thuật thành giá trị tài liệu. Thêm vào đó sự sắp xếp, tuy có phân chia, nhưng cũng còn khá lộn xộn.

Ở các tập kế tiếp cũng tương tự như thế. Có những nhân vật mới (có người còn trong nước) nhưng cũng không ít những khuôn mặt cũ được giới thiệu lại qua những bài viết mới. Nhìn chung, đây là một tài liệu về ca nhạc sĩ Việt Nam rất đầy đủ cho những ai muốn tìm hiểu sơ lược về một giọng ca mình ưa thích. Sự tò mò có thể được đáp ứng một phần, nếu những tâm sự của các ca sĩ với Trường Kỳ không thiếu thành thật. Vì tính cách đại chúng, bộ tuyển tập này của Trường Kỳ đóng góp nặng tay vào quĩ phong lưu của anh.

Tôi ra đời trước Trường Kỳ 5 năm, nhưng cũng có thể gọi cùng thế hệ. Tôi cũng biết yêu nhạc chút chút, vì thế tên tuổi Trường Kỳ không xa lạ với tôi. Sự khác biệt ở chỗ anh nghiêng hẳn về sinh hoạt âm nhạc, còn tôi vì hoàn cảnh địa lý, ảnh hưởng xã hội đã có suy tư về cuộc chiến nhiều hơn. Do đó những sinh hoạt của Trường Kỳ tôi không được hiểu một cách thấu đáo. Lòng ngưỡng mộ anh vì vậy cũng không nhiều. Sau khi định cư tại Montréal, cùng thành phố với Kỳ, những năm đầu, tôi chỉ thỉnh thoảng nghe giọng anh nói, đọc trên một số đài phát thanh anh cộng tác như đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, chương trình phát thanh năm ba tiếng đồng hồ tại Montréal. Tôi ít được đọc bài anh viết, vì các nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, Lê Dinh không gởi cho Thẩm Mỹ, Nghệ Thuật.Tôi cũng gần như không có cơ hội gặp anh. Trong một mùa hè, tôi theo vợ cùng cô bạn của vợ dạo chơi trong dịp vent trottoir trên đường Saint Hubert, chợt Liên thúc tay vợ tôi bảo: "Vợ Trường Kỳ". Giọng Liên nhỏ nhưng tôi cũng nghe thấy và cũng kịp nhận ra một vóc dáng uyển chuyển, hấp dẫn, một khuôn mặt xinh xắn, duyên dáng. Liên nói tiếp với vợ tôi: " Hấp dẫn vậy nhưng ông chồng thì nhỏ xíu hà". Câu nói của Liên không giúp tôi hình dung về một nhân vật mà tôi lơ mơ biết từng nổi tiếng một thời. Năm tháng tiếp theo Trường Kỳ không phảng phất trong tôi cho đến một sáng mùa thu, nhà văn Song Thao rủ tôi đến Trường Kỳ chơi. Dù rất lười đi, nhưng Song Thao hứa đến đón và cái tên Trường Kỳ quả còn nhiều kỳ bí đối với tôi, nên tôi nhận lời. Thời gian này tôi ở đường Barclay, Trường Kỳ cũng ở nhà thuê trên đường Chateaubriand, số 7487.

Tôi vui vẻ bắt tay một ông trung niên xuề xòa cởi mở. Khuôn mặt bảnh hơn trong ảnh thời thanh xuân rất nhiều. Trường Kỳ thuộc loại đẹp trai với những nét rắn rỏi của đàn ông. Lòng kính cận có phần hơi dày, nhưng vẻ trí thức nhờ vậy cũng tăng lên. Tôi bắt gặp sự tinh nghịch lẫn tinh quái trên khuôn mặt hiếu khách của người bạn mới. Cuộc hội ngộ của chúng tôi hôm đó đáng tiếc quá ngắn, bởi Trường Kỳ đang có một người khách, ông Lê Thái, cựu Giám đốc Chương trình đài Phát thanh Sài Gòn (hiện nay giữ chức Giám đốc đài Tiếng Nói Việt Nam của cơ sở Thời Báo tại Canada). Ông Thái rủ Trường Kỳ và cả chúng tôi đi ăn sáng. Nhưng tôi và Song Thao từ chối.

Sau lần gặp ấy, sự quen biết giữa Trường Kỳ và tôi phát triển như thế nào tôi cũng không nhớ rõ, chỉ biết tôi được Trường Kỳ ký tặng cho các tác phẩm của anh đã in tại hải ngoại, đủ bộ. Năm 1999, khi tôi thực hiện trang Vuông Chiếu Luân Hoán trên internet, có mục giới thiệu những người sáng tác Việt Nam, không phân biệt bộ môn nghệ thuật. Tôi chợt nhớ đến những chồng báo thật hấp dẫn ở nhà Trường Kỳ, mà tôi nghĩ sẽ có nhiều tài liệu về các nhạc sĩ. Trường Kỳ cho tôi một cái hẹn qua điện thoại. Trường Kỳ đã dọn về số 7019 đường Drolet. Tôi đến nhà anh vào một buổi xế trưa mùa đông. Trời nắng đẹp, khá lạnh nhưng không có tuyết. Con đường trước nhà Trường Kỳ đang còn trống một khoản đủ để đậu hai chiếc xe. Tôi mừng trong bụng không phải tìm chỗ đậu và vất vả đi trong gió lạnh. Trường Kỳ ở nhà một mình. Chỉ có ba nhân khẩu nhưng Trường Kỳ thuê một căn nhà quá rộng. Không khoái ở phòng khách, tôi vào thăm phòng làm việc của Kỳ. Băng nhạc, sách báo cao như núi nhưng được cái thứ tự hơn tôi rất nhiều. Trên màn ảnh computer đầy nhóc những logo các chương trình Trường Kỳ sử dụng. Anh cũng có một chỗ ngả lưng ngay bên một kệ sách vừa rộng vừa cao. Phòng ấm có đầy đủ dàn nhạc, đóng cửa lại là biệt lập hẳn bên ngoài. Thật thích thú nếu có một người đẹp đến thăm. Trường Kỳ cho tôi xem hàng ngàn tấm ảnh chụp các ca sĩ. Nhìn ảnh chụp, phải công nhận ca sĩ nào của chúng ta cũng đẹp cả và nhất là thật đáng yêu, nhưng chắc khó yêu. Trong căn phòng này còn có một chiếc giường vợ chồng Trường Kỳ đặt tên là giường "nghệ sĩ". Hầu như trên thành giường có đầy đủ chữ ký của các nghệ sĩ khắp nơi tới trình diễn hoặc du ngoạn Montreal đã từng ngủ trên chiếc giường này. Đâu cũng chừng hơn trăm chữ ký! Tôi hỏi mượn Trường Kỳ chừng năm, bảy số Thế Giới Nghệ Thuật. Tạp chí này phát hành tại Hoa Kỳ. Chủ nhiệm Lê Quốc Tuấn, Giám đốc điều hành Đặng Nguyên Phá. Phối hợp nội dung Lâm Tường Dũ. Tổng thư ký Vương Trùng Dương. Trình bày ấn loát Westminster Press. Ban biên tập chừng ba mươi người, tôi chỉ quen biết nhà thơ Du Tử Lê (bút hiệu khác Hồ Huấn Cao) và họa sĩ Hồ Thành Đức. Bài vở được in trên giấy trắng thật dày, hình ảnh những nhân vật được giới thiệu trong tạp chí đều là màu rất rõ nét. Chỉ dưới 10 tập, đã khá nặng tay. Tôi cẩn thận từ giã cái thang gác khá cao của tổ ấm Trường Kỳ. Trước khi mở cửa xe, tôi giật mình thấy cái gạt nước đang giữ chặt một vuông giấy hình chữ nhật. Đã biết là cái gì rồi, nhưng không cam lòng, tôi đứng nhìn mặt tờ Constat D'Infraction (statement of offence) thật kỹ. Thì ra chỗ tôi đậu xe dành riêng cho cư dân tại đây. Xe không có permis de station dán trong kính sau, lãnh giấy phạt là điều đương nhiên. Tôi đã ăn trên mười tô phở một lúc chớ chẳng chơi ! Bài học ngày lên thăm bác sĩ Đường Minh Hoàng và bác sĩ Tôn Nữ Liên Chi tôi đã quên, bao tạp chí trên tay đã nặng chừng như nặng hơn, tôi vứt vào ghế sau. Không có đồng tiền nào chi ra vô duyên bằng tiền nạp phạt vì đậu xe nhằm chỗ cấm. Những bảng cấm một đoạn đường dành riêng cho cư dân đã mua chỗ trước, thường chỉ treo ở đầu ngã tư hoặc ngã ba, nên tôi đã sơ ý đáng tiếc.

Những ngày tiếp theo tôi còn gọi xin tin của Trường Kỳ nhiều lần. Trường Kỳ vui vẻ cho tôi rõ những gì anh biết trong lãnh vực âm nhạc. Anh là người ưa thích và luôn luôn có dịp đi đây đi đó. Mỗi chuyến đi của anh thu về rất nhiều bút ký, anh từ từ cho đi trên Thẩm Mỹ, trên Thời Báo hoặc đọc trên các đài phát thanh. Những bài viết của Trường Kỳ không phổ biến một kiến thức cao xa nào, nhưng mang lại cho độc giả, thính giả một góc cạnh nào đó về đời thường của một nhân vật đã hữu danh, cũng rất lý thú. Câu "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" của tiền nhân, trong trường hợp Trường Kỳ chắc phải sửa lại: "Đi một ngày đàng viết mươi trang bút ký" mới thích hợp. Trước 1975, Trường Ký gắn liền với phong trào nhạc trẻ, nên có thể gọi anh là Trường-Kỳ-Nhạc-Trẻ. Sau 1975, tại hải ngoại, Trường Kỳ cũng dính liền với những gì liên quan đến âm nhạc, cụ thể hơn là giới ca sĩ. Mỗi chuyến đi đây đi đó của anh hầu như đều được tài trợ phí tổn di chuyển. Việc ăn ở đương nhiên khỏi lo. Thong dong như vậy nên qua từng dặm đường, anh đều thu giữ những vui buồn, những hình ảnh của người anh tiếp xúc, để rồi sau đó anh nhẩn nha, nhớ đâu ghi lại đó thật sinh động. Từ những câu chuyện có thể hơi lẩm cẩm để nhìn rõ hơn về một người, nhiều khi cũng rất thú vị.

Qua một lần cùng Trường Kỳ đến Toronto, tôi càng rõ cái lý thú trong những chuyến đi của anh. Không có những tiếp đón quá long trọng nhưng sự đãi ngộ của bè bạn dành cho anh thật đáng ngưỡng mộ. Có lẽ đến đâu anh cũng được những người hành nghề ca hát thương mến. Không hẳn sự o bế xuất phát từ chờ đợi được viết bài lăng xê, giới thiệu. Qua tình kính mến của cô ca sớm chớm thành danh Lâm Quỳnh Như dành cho Trường Kỳ, tôi hiểu ra, anh có được sự thương mến của nhiều người do sự chân tình, cởi mở của anh. Khả năng nhận định, đánh giá khá trung trực về một giọng ca cũng tạo cho anh thêm uy tín. Nghe cô ca sĩ Lâm Quỳnh Như của Toronto, một tuổi trẻ tài cao trong tình yêu lẫn âm nhạc, vừa vui, vừa cung kính gọi anh bằng bố thật là thích. Sự chân tình của cô bé đã trưởng thành, lòng thanh thản của một người giàu tuổi đời vẫn một say mê âm nhạc, đúng là một hạnh phúc.Những đối thoại quanh tôi đêm hôm ấy tại một quán cà phê, chưa đến giờ đầy khách, nhớ lại, như có những nốt nhạc không lời vang bên tai. Cuộc sống sẽ thêm vui từ những ca khúc, dù đa số bài ca của chúng ta chuyên chở những nỗi buồn.

Nhiều người cho rằng thời gian ở xứ người có tốc độ cao hơn tại quốc nội. "Đời lưu lạc mỗi ngày là một tuổi" chắc không quá như tôi đã viết. Nhưng nhìn qua ngó lại, thoáng một cái, ngày vui ngồi cụng ly cùng Hoàng Xuân Sơn, Song Thao, Từ Công Phụng, Lưu Nguyễn... trong tiệc cưới cháu Tú Uyên chưa qua khỏi trí nhớ, mà cháu đã có hai cậu ấm, Caillou lên năm, Chou lên ba, mau thật. Bất kể mặt trời mọc mặt trời lặn, Trường Kỳ vẫn đi và vẫn viết, có khác chăng là cơ thể anh có phần nặng ra. Trong lúc cái kính ngừng gia tăng độ dày, và tình yêu dành cho Thu Huyền đậm đà thêm. Đẹp như hình chụp trong ngày sinh nhật 60 tuổi của anh. Xin tặng muộn cho "đôi trẻ" giàu hạnh phúc một bông hồng trong những dòng chữ này. Tình thân.

Luân Hoán

(Dựa Hơi Bè Bạn 2)

No comments: