Monday, November 28, 2011

Trang Thanh Lan: Tiếng Ca Tình Tự Quê Hương







Cho đến nay Trang Thanh Lan đã có trên 25 năm tuổi nghề, kể từ lần xuất hiện đầu tiên của cô trên sân khấu rạp Quốc Thanh vào năm 1968 trong chương trình "Văn Nghệ Tạp Lục" của nghệ sĩ Tùng Lâm, cũng chính là người đã dẫn dắt cô vào làng văn nghệ sau khi trúng tuyển cuộc thi Tuyển Lựa Ca Sĩ do anh tổ chức.
Cũng như Quang Bình, cô chuyên trình bày loại nhạc dân ca, ca ngợi quê hương và tình yêu.



Vào thuở bắt đầu hưng thịnh của ban Văn Nghệ Tạp Lục của danh hề Tùng Lâm, đã có những cái tên Phương Anh, Thảo Ly, Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến, Trang Mỹ Dung cùng Bạch Lan Thanh (vợ của Tùng Lâm).
Cũng như nhạc sĩ Nguyễn Đức và Mạnh Phát, Tùng Lâm đào tạo những nữ ca sĩ không hề biết ngân nga. Mà ngân nga làm chi cho tốn công luyện tập. Hầu hết 98% khán thính giả chỉ thích các nữ ca sĩ hát rõ lời, hát thật lảnh lót. Họ không bao gìơ để ý rằng những nữ ca sĩ ấy thường có giọng không mấy tinh luyện nên phải lấy cái lảnh lót để che lấp cái khiếm khuyết kỷ thuật của giọng hát mình.
Cô kết hôn với nam ca sĩ Thanh Hùng, một giọng tenor độc đáo và hiếm quý. Tôi thầm nghĩ Thanh Hùng hát có kỹ thuật chân truyền, có thể huấn luyện lại cho vợ anh hát được đôi chút tiến bộ nào chăng? Nhưng điều hy vọng của tôi không hề được Trang Thanh Lan đáp ứng. Cô vẫn hát như khi đem tiếng hát vào đời, trước sao sau vậy.

Tiếng hát Trang Thanh Lan ngọt ngào, óng mượt nhưng không có gì đặc biệt. Một tiếng hát rất dễ thương thế thôi ! Cô hầu như không thèm ngân nga, hoặc có ngân lăn tăn vài ba lượn đi nữa thì ở những chổ dễ ngân. Đã vậy chuỗi ngân chao đão, bời rời làm cho khán thính giả có cảm tưởng cô ngân lấy có, ngân tuỳ hứng chớ không lâý đó làm quan trọng. Cô thường trình bày những bản dễ hát, những bản rất xa lạ với nghệ thuật, với cái tinh tuý của âm nhạc.
Khi hát những bài tình tự quê hương hoặc những bài âm hưởng dân ca chính gốc, Trang Thanh Lan phát âm theo tiếng Bắc. Nhưng tiếng hát cô lại gợi nên khung cảnh thôn quê miền Nam,hình ảnh những đôi nông phu thôn nữ yêu nhau trên dải đồng bằng sông Cửu được đấp bồi bằng phù sa. Tiếng hát ấy đưa tâm trí khán thính giả đến những dãi đồng ruộng có nét đậm bóng nhạt chen nhau, nét đậm là những khoảng đất phơi những thớ đất nâu xám để dọn rẫy, bóng nhạt là những thuở ruộng phủ ngợp lúa vàng. Từ những ruộng rẫy, họ có thể mường tượng lại những dáng rạch hình sông ngầu đục phù sa, những ao bàu lung vũng lênh láng nước mưa trong vắt. Rồi thì từng loạt hình ảnh theo dòng hồi ức kéo về họ. Này là những mảnh vườn cây ăn trái, này là bóng cau bóng dừa vượt khỏi rặng cây xa....
Đó là những khung cảnh tiêu biểu, rất chung chung trên vùng Tiền Giang hay vùng Hậu Giang.

No comments: