Tuesday, November 29, 2011

Bích Thuận Tiếng Hát Bền Sắt Tươi Son



Từ năm 1954 trở về trước, trên sân khấu Phụng Hảo, Bích Thuận hợp với bốn nghệ sĩ Phùng Há, Thanh Tùng, Kim Thoa và Ngọc Hải thành năm viên bảo ngọc sáng nhất của đại ban này. Sang qua Nam Phi thì cô hợp cùng Năm Phỉ, Bảy Nam và Mười Truyền thành một lực lượng hùng hậu bên giàn đào. Khi bà Năm Phỉ qua đời thì đã có hai ngôi sao khác là Kim Hoàng và Kim Cương thay thế. Còn trong số nữ nghệ sĩ cải lương hát tân nhạc vững chải ở miền Nam trước hiệp định Genève chỉ có Túy Hoa, Kim Hòang và Bích Thuận mà thôi.

Ở chương này, tác giả chỉ nói tới nghệ thuật hát dân ca ba miền, nghệ thuật hát tân nhạc và nghệ thuật diễn ngâm của Bích Thuận. Những bộ môn ấy không phải là xa lạ đối với cô tù khi cô bước vào ca kịch cải lương. Từ năm 1954 trở về trước, cô đã trình diễn tân nhạc trên các sân khấu đại ban như Tố Như, Phụng Hảo, Nam Phi. Tuy là nghệ sĩ của sân khấu cải lương, nhưng Bích Thuận không thể hát những bài bản có kỹ thuật lắc léo như "Tứ Đại Oán", "Tây Thi", "Văn Thiên Tường", "Phụng Hòang", "Xuân Nữ" v.v...cùng vọng cổ nhịp 16. Cho nên cô dùng tân nhạc để che lấp cái khuyết điểm của mình.

Bích Thuận hát đủ lọai nhạc với điều kiện là những bản nhạc vừa với âm vực của giọng bán kim (mezzo soprano) của cô. Riêng tác giả, ông đã được nghe cô hát bản "Túi Đàn" của Canh Thân trong vỡ "Gánh Hàng Hoa" được trình diễn trên sân khấu Phụng Hảo, bản "Trên Mây" của Thẫm Óanh trong vỡ tuồng "Hai Bóng Hoa Rừng" của Duy Lân trên sân khấu Nam Phi. Đó là thời chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh. Cũng vào thời này, cô hát trên làn sóng điện đài phát thanh Pháp Á và trên sân khấu đại nhạc hội qua bản "Ai Về Sông Tương" của Thông Đạt và hai bản "Trách Người Đi" và "Chiếc Áo The Thâm Tàn" của Đan Trường.

Rồi vào thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa, có lần cô xuất hiện trong kỳ đại nhạc hội Phong Lan do bác sĩ Trương Ngọc Hơn tổ chức.
Cô đóng vai thứ hạng trong vở kịch phóng tác theo phim "La Valse Dans L'ombre" bên cạnh Bích Sơn và Châu Kỳ trong hai vai chính. Trong vở kịch ấy cô hát bài "Mambo Italiano" bằng lời Việt. Đã hát được bài kích động ấy thì cô ngại ngùng gì mà không hát bài "Tiếng Hát Với Cung Đàn" của Văn Phụng?

Tiếng hát của Bích Thuận dẻo và mềm mại như chiếc bánh dầy phô vóc trắng mịn. Nó có sinh lực vạm vỡ, phong phú. Cô hát chân phương quá, không một nét điệu đà dù là phớt nhẹ, không chút bay bướm dù là kín đáo đi nữa. Tuy nhiên cái ngân vang bén ngót và sắc sảo của nó vẫn tô điểm cho nó đôi chút nữ tính.

Chuổi ngân dài của cô rất đều đặn như chuổi trân châu, rất óng ả thỏai mái, không chút nắn nót nào. Đó là tiếng hát vững vàng, bền chắc có thể đương đầu dai dẳng với sự phá họai tàn nhẫn của thời gian. Nó gợi lên thứ mực son thật thắm thật tươi vừa mài đặc sánh trên chiếc nghiên đá.

Thứ mực ấy tẩm lên chiếc triện để in dấu lên nền giấy quý, lên lụa thơm để ghi lại dấu triện son điểm trang cho một bài cổ thi viết trên nền giấy vẽ mờ hình long phụng hoặc ở chổ lạc khỏan của một bức cổ họa. Nó còn gợi nên màu hoa phượng ở trong sân trường mùa hạ, màu hoa vông bên dòng rạch vào mùa xuân ở miền Nam. Đỏ thật thắm thiết, đỏ xán lạn, ửng ánh ngọc lựu hay ánh hồng ngọc trong nắng sớm buổi đẹp trời, đỏ hớn hở trong lòng khách vãn cảnh.

Và cũng qua tiếng hát của Bích Thuận, chúng ta cũng có thể liên tưởng đến tấm lòng bền sắt tươi son của cô suốt ba phần tư cuộc đời hiến dâng cho nghệ thuật trình diễn. Đó như một vết thủ cung sa của người thiếu nữ nguyện hiến dâng tấm băng trinh của mình vào công việc phụng sự thần linh. Vết thủ cung sa ấy chói rạng màu son thắm thiết trên cườm tay trắng nuột nà như mỡ đọng của nàng.

Khi nghe Bích Thuận hát dân ca miền Bắc như Quan Họ, Trống Quân, Cò Lã, Ả Đào, Sa Mạc, Bồng Mạc v.v... chúng ta có thể liên tưởng đến khung cảnh phiên chợ đầu xuân ở miền quê thời tiền chiến. Ở đó, có những chàng trai khôi vĩ mặc áo dài the La Cải, đội khăn xếp trên đầu, cầm quạt trong tay.

Ở đó có các thôn nữ xinh tươi mặc áo nâu non,yếm thắm, váy lĩnh Bưởi, thắt giây lưng thiên lý, tóc vấn thả đuôi gà. Tiếng hát của cô còn gợi hương vị mộc mạc và thân thương của những món ngon bày bán ở chợ quê như bún riêu, bún ốc, canh bún, bánh giò, bánh uôi, bánh khúc, bánh khảo và nhất định là phải có hàng bán nước chè xanh dưới bóng mát cây đa.
Trải qua biết bao lớp sóng thăng trầm, tiếng hát của Bích Thuận tuy hơi gắt mổi khi cô lên cao,nhưng nó vẫn mềm dẻo, vẫn lồ lộ tình ý gắn bó vào nghệ thuật như tự xưa giờ. Chuỗi ngân của cô vẫn dễ dàng, vẫn đều đặn.

Trong lãnh vực ngâm thơ, cô vẫn là nữ kiện tướng. Cách ngâm của cô đơn giản, không trầm bổng và huê dạng nhiều, nhưng nhờ phần ngân nga trác tuyệt mà nó có một sắc thái lộng lẫy.

1 comment:

VictorVoice said...

trong clip video nay dau phai la Bich Thuan hat cai luong dau. Co nay la ai vay?