Wednesday, November 30, 2011

Phương Dung Tiếng Hát Gọi Nhạn Trong Sương



Vào những năm 1963, 1964, ca khúc "Những Đồi Hoa Sim" của Dzũng Chinh được nổi tiếng như cồn là nhờ giọng hát của Phương Dung, cựu nữ sinh trường Nguyễn Bá Tòng, sinh quán ở Gò Công. Nhưng nói cho cùng, củng nhờ bản này mà trong một sớm một chiều, Phương Dung trở thành một ngôi sao ca nhạc sáng lộng lẫy như ngôi sao của Lệ Thanh, Thanh Thuý, Minh Hiếu và Duy Khánh trước đó vài năm.

Phương Dung còn có bài "Nổi Buồn Gác Trọ" để mê hoặc khán thính giả nữa. Ngoài ra, những bản khác đã hiện trước khi cô trở thành ca sĩ khá lâu như "Tình Bắc Duyên Nam" của Xuân Tiên, "Tống Biệt" của Võ Đức Thu cũng được cô dùng để ru hồn khán thính giả trên sân khấu Đại Nhạc Hội.

Tiếng hát của Phương Dung vang lộng, lảnh lót và dẻo mê dẻo mệt. Cách diễn tả của cô không có màu mè riêu cua. Tiếng hát sung mãn và tươi xanh như cỏ tranh, như những loại cây mọc mé sông rạch miền Tiền Giang lẫn miền Hậu Giang như cây ô rô, cây bình bát, cây muối, cây dứa gai...

Cô được mệnh danh là "Con Nhạn Trắng Gò Công", nhưng tiếng cô chỉ lảnh lót như tiếng nhạn, chứ không quá buồn như tiếng nhạn. Nhưng cũng như tiếng nhạn, nó gợi một chút gì nuối tiếc cái bóng hạnh phúc đã trôi qua. Nhạn như tiếc mùa xuân tươi mát cỏ cây, mủa hè đẹp nắng và giờ đây phải đối diện với mùa thu ảm đạm sương mù và sẽ kéo theo mùa đông lạnh lẽo.
Còn Phương Dung khi hát, tiếng hát cô như phảng phất một chút u hoài dìu dịu, một chút luyến tiếc bảng lảng gần như mơ hồ về mảnh đất quê hương ở Gò Công của cô và thời cắp sách của cô ở trường trung học Nguyễn Bá Tòng.

Ngoài âm sắc ngời sáng và lộng lẫy, giọng hát Phương Dung còn ngọt lịm làm chúng ta nghĩ đến vị ngọt của mãng cầu biển và của đu đủ xiêm. Nó còn mặn mà tình ý làm ta nghĩ đến hai món mắm bất hủ: tôm chà và mắm tôm chua, đặc sản bất hủ của Gò Công.

Nhưng dù bản chất tiếng hát của Phương Dung là châu ngọc long lanh, là gương báu rạng ngời, nhưng Phương Dung không mấy chú trọng đến vấn đề trau giồi nó bằng kỷ thuật.
Cô dàn trải làn hơi không đều. Ở những chổ ngang ngang cô dồn hơi cho tiếng vang lộng, gây một dư âm sang sảng; nhưng đến khi lên cao hay xuống trầm, tiếng hát không lảnh lót khi lên cao, và trở nên hơi mỏng hơi và hơi nghẹn ngào khi xuống trầm. Đây là một giọng hát lấy cái véo von của tiếng hót chim ý nhi, lấy cái xao động của cành lá thuỳ dương reo trong gió để làm đẹp, làm cái quyến rũ cho giọng hát vốn không được luyện tập theo phương pháp chân truyền của mình.

Nghe Phương Dung hát, chúng ta còn nghĩ đến thứ gỗ cẩm lai tuy được bào chuốc láng mặt nhưng chưa được đánh lớp vẹc ni cho mặt bóng ngời như gương soi. Chúng ta còn nghĩ đến đá hoa cương chưa giồi mặt sau khi làm thạch bàn. Và nó cũng như rượu nếp than, tương, chao, nem, tré, xôi rượu chưa dậy men sung mãn để làm món ăn thức uống ngon miệng cho thực khách.

Phương Dung không biết ngân nga. Ở tiếng chót mỗi câu, cô chỉ nắn nót một vài hột ríu rít bời rời ; đó không thể gọi là chuỗi ngân được.

Có nhiều chỗ cô không thèm ngân nga, cũng không thèm kéo dài làn hơi. Vì sao? Bở cô phung phí làn hơi ở những chổ dễ hát để tiếng hát đầy âm vang, sáng lồng lộng như vòm trời tràn ngập ánh trăng rằm; đến khi lên hơi cao cần có làn hơi phong phú để kéo dài trường độ nốt nhạc ở tiếng cuối câu thì cô hụt hơi, thế là cô bỏ cuộc một cách tỉnh bơ, một cách gọn gàng, không thèm ngân nga làm gì cho cực thân.

Nhưng mà nghĩ cho cùng, nếu Phương Dung hát theo nề nếp chân truyền, có thể ngân nga dễ dàng như Mộc Lan, Châu Hà và Kim Tước thì chưa chắc cô đã được quần chúng đón nhận một cách say sưa nồng nhiệt như thế. Đa số quần chúng ghét ai hát mà bày chuyện ngân nga mà họ cho là rên i ỉ.

Tiếng hát của Phương Dung có thể đáp ứng cái sở thích quá đơn giản ấy. Lại nữa, tiếng hát ấy đã đẹp sẵn rồi, cô không cần trau chuốt giồi mài làm chi cho mất công. Đó như là rau cải diếp, rau húng, rau quế, dưa leo chỉ dành để cho thực khách ăn sống, để cho họ cảm nhận được cái tươi mát thơm tho của chúng.

Tiếng hát của Phương Dung là lọai rau ăn sống. Nó tươi rói, tràn trề sinh lực. Nó mộc mạc thân ái với khiếu thưởng ngọan đơn giản và dễ dãi của một số khán thính giả đông đảo hùng hậu.
Phương Dung diễn tả nổi buồn trong giọng hát củng chừng mực thôi, không rên rỉ. Tiếng của cô ở chổ ngang ngang thì ngọt mà không mềm. Nó dẻo dai như dây mây dây chọai trong các cánh rừng tràm miệt U Minh.







No comments: